Đêm qua 02/06 “đoàn tăng” được sắp xếp nghỉ đêm tại nghĩa trang trong một ngọn núi nhỏ ở ngoại ô thành phố Huế, gần một doanh trại bộ đội với ba lớp rào đặt cách xa nhau, ngăn chặn tách biệt hoàn toàn “đoàn tăng” với đám đông Phật tử.
Địa điểm này ở gần “cầu Tuần” bắc ngang qua sông Hương, thuộc xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà gần Quốc lộ 1, Quốc lộ 49, dù có hơi vắng vẻ nhưng vẫn còn cặp sát với thành phố Huế, rất gần với các lăng tẩm của nhà Nguyễn. Và bất ngờ, sáng sớm hôm sau ngày 03/06, rào chặn được tháo dỡ, chở đi, “đoàn tăng” bốc hơi biến mất, Phật tử nháo nhào tìm kiếm.
Người vào tận nơi tìm thì nói rằng những tấm bạt ni lông trải ngồi của các sư vẫn còn bỏ lại rải rác, người vào doanh trại bộ đội hỏi, thì nghe nói đoàn người đi lúc nửa đêm, hoặc lúc 2 giờ sáng, người thì nói Minh Tuệ đi vào núi một mình, ẩn tu. Người thì nói đi theo một ngõ ngách ra Quốc lộ 1, người thì nói đi theo Quốc lộ 49, theo hướng Trường Sơn rồi về Nam hoặc đi đường rừng qua đèo Hải Vân, đã đến ranh giới Đà Nẵng, v.v và v.v, mỗi người nói và đoán một kiểu, nhưng vẫn không tra ra được tung tích Minh Tuệ.
Theo tôi được biết, “đoàn đã đến Đà Nẵng thì không đúng”, từ cầu Tuần đến đèo Hải Vân còn rất xa, đi những con đường khác còn xa hơn, khó khăn hơn. Con đường ngắn nhất là đi theo Quốc lộ 1 thì cũng phải đi qua nhiều địa phương như Thủy Phù, Lộc Sơn, Lộc Hòa, Lộc Điền, Lộc Thúy, Lộc Tiên, đến thị trấn Lăng Cô cặp sát theo hai đầm nước, đầm Cẩu Hai, đầm Lập An, mới tới đèo Hải Vân, đến ranh giới Đà Nẵng, đường dài khoảng 74 cây số. Với tốc độ đi của “đoàn tăng” khoảng 30 km/ngày, cộng thêm đèo núi hiểm trở, nếu đi bộ phải mất ba ngày, họ mới ra khỏi Thừa Thiên Huế.
Thế thì họ đi đâu, hiện ở đâu?
Tạm bỏ qua các hình ảnh được đăng trên mạng, như Minh Tuệ “làm căn cước công dân”, như nhóm tu Kim Cang vào quán phở, có thể là phở chay, trên bàn hai chai nước tương, một đĩa rau, mấy tô phở khô chay ... thì cần xem lại thời điểm chụp, tính xác thực, tôi là người chụp ảnh nên biết, ảnh dễ tạo giả.
Nhưng có sự rò rỉ của hai clip video đáng lưu ý, một của sư Minh Thiện và một của sư Kim Cang, người trong “đoàn tăng” nếu đúng là theo nội dung bản gốc thì chúng ta nên suy nghĩ thêm về việc “tự nguyện ẩn tu” của Minh Tuệ.
Một video, Minh Thiện nói rằng, “lúc 1- 2 giờ đang ngủ thì có mười mấy chiếc xe 16 chỗ biển số, đầu số là 75, 1 xe 20 chỗ biển số xanh, đầu số là 11, đã đổ nhiều người xuống, ập vào nơi trú, cứ hai người kèm bắt một người, đưa ra xe chở theo hai hướng, vô Nam và ra Bắc. Con thì bị chở ra Hà Tĩnh, vào công an phường Kỳ Trung ký cam kết không đi theo Minh Tuệ, không được vi phạm pháp luật. Rồi thả con ở bãi đất trống khu trung tâm, con chạy vào nhà dân, con không biết thầy Minh Tuệ và những người khác ở đâu...”.
Một video khác, Kim Cang nói rằng, “đông người, xông vào bắt hết lên xe chở đi, sau khi lập biên bản, thì thả người ở rải rác từ Đà Nẵng tới Nghệ An. Với quảng đường ấy thả 72 người, người ta khôn lắm, không có tiền, không điện thoại, muốn gom đi trở lại thì cũng lâu lắm...”.
“Như tôi đã nói ở bài trước, lúc đầu lực lượng chức năng chỉ ngó, ở vòng ngoài xa xa quan sát. Nhưng kể từ khi đến thành phố Đông Hà, Quảng Trị rồi qua Thừa Thiên Huế, “lực lượng chức năng” dường như đã vào cuộc.
Những gì chúng ta thấy thuộc về bề mặt như công an giao thông, công an trật tự, dân quân, họ đã áp sát đoàn người khất thực, như điều phối giao thông, giữ trật tự”, nhưng tất cả đều có sự tính toán, phối hợp nhịp nhàng giữa trên và dưới, giữa địa phương và trung ương. Đó là “phân tách” và “cô lập”, thực hiện sách lược, tách dần đám đông ra, tách dần từng nhóm đối tượng. Ngày 01 và 02/06, việc canh gác và rào chặn những lúc đoàn tăng nghỉ trưa hoặc ngủ nghỉ đêm, gần như họ đã thành công trong việc tách quần chúng ra khỏi đoàn tăng. Ngoài ra, còn lực lượng “chìm” như an ninh chính trị, an ninh tôn giáo, công an mạng, an ninh nhà nước, kể cả lực lượng an ninh trong quân đội ... đã áp sát đoàn tăng và Minh Tuệ, có thể họ có cả người ngay trong “đoàn tăng”, một ít người cũng đã nhận ra họ qua dấu hiệu người có “vòng đeo ở cổ tay màu xanh hoặc đỏ” xuất hiện xung quanh Minh Tuệ.
Rồi họ tách nhóm vệ sĩ, giải tán những cận vệ tự phát, nói họ đi về, công việc bảo vệ Minh Tuệ, bảo vệ một công dân là của “công an và quân đội”. Rồi họ tách youtubers ra, qua việc mời một số lên đồn ở địa phương làm việc, vi phạm phát tán video mê tín thì phạt, như báo chí đưa tin. Mặt khác cấm youtubers đi gần “đoàn tăng” streaming trực tiếp, phá sóng bằng công cụ chuyên nghiệp.
Rồi việc gì đến đã đến, qua một đêm nghỉ ở một địa điểm ở ngoại viên thành phố Huế được cách ly ba lớp rào bảo vệ, “đoàn tăng” đã bốc hơi, biến mất, sáng ngày 03/06 không còn du tăng khuất thực xuất hiện trên quốc lộ nữa. Chúng ta không nên coi thường “lực lượng ngầm” này, ngay cả một “tội phạm kinh tế” trốn được sang Đức rồi vẫn bị bắt lại, dù sau đó phải chịu ảnh hưởng về ngoại giao và tai tiếng.
Như tôi đã nói ở bài viết trước: “Phật tử kéo nhau đi theo Minh Tuệ, giờ không còn vài trăm người nữa, bắt đầu từ khi Minh Tuệ đến Đông Hà, Quảng Trị thì đám đông có lúc tụ tập đông như kiến, lên đến hàng ngàn, xếp hàng dọc theo đường hàng cây số. Xếp hàng đảnh lễ, quét rác, rải hoa trên đường. Điều này mặt nào đó cho thấy người dân khao khát có những bậc chân tu và muốn nhìn thấy Phật giáo trở lại con đường giản dị đúng với bản chất ngàn xưa. Nhưng mặt khác, chúng ta lại thấy nhiều người tràn ra đường tôn sùng, quỳ lạy, khóc lóc, sờ vào người Minh Tuệ, cố nhét đồ ăn, chai nước vào tay vào bát, đòi đổi nồi cơm điện, tìm cách đổi y, giành lộc... Những hành động này có thể lại là mê muội, cuồng tín, hiểu sai lệch về đạo Phật và thực sự đem đến những phiền phức cho hành giả”.
Và cũng kể từ Đông Hà đến ở Thừa Thiên Huế, chúng ta lại thấy lực lượng chức năng với số lượng đông đảo, hùng hậu, họ đã vào cuộc, bên cạnh việc điều tiết, phân luồng giao thông, họ áp sát đoàn tăng giữa gìn trật tự, hỗn loạn từ đám đông. Chặn, gác, tách đám đông, giữ sự yên tĩnh cho đoàn người tu tập khi dừng lại ngủ nghỉ. Họ như là trở thành những “hộ pháp”. Và cũng từ đây họ chuẩn bị cho kế hoạch, tách, cô lập “đoàn tăng”.
Việc gì rồi cũng phải có điểm dừng, hàng nghìn, chục nghìn người trên đường quốc lộ, trong khu dân cư ồn ào, hỗn loạn phải dừng lại. Theo đà này thì khi đến Đà Nẵng rồi Khánh Hòa, càng vào Nam sẽ có thêm vài trăm người xuống tóc khoác y tu, vài trăm sư bỏ chùa đi theo Minh Tuệ. Như một người bạn quen với tôi nói: “Tôi thì thích Minh Tuệ hành pháp bằng pháp thân. Chàng cứ đi như đi chơi và sẽ thấy Như lai nâng niu gót chân sần của mình. Và bá tánh, nhìn vào đó, sẽ tỉnh ngộ hơn độc một ngàn trang của thầy Nhất Hạnh hay Tuệ Sỹ...”. Rồi đám đông sẽ tràn ra đường tăng lên hàng triệu ... Họ không dám mạo hiểm. Và một cái kết bất ngờ: “mất tích”.
Đồng loạt các tờ báo chính thống đã đăng tin, thông báo rằng: Minh Tuệ “đã rằng nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của công dân, tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực”. Như vậy là đã công khai nói rằng, lực lượng chức năng ra tay. Lý do là do đám đông càng ngày càng đông, càng hỗn loạn. Thêm nữa, đã “xảy ra việc một người đàn ông đi trong đoàn người bị sốc nhiệt, suy đa tạng, xuất huyết tiêu hóa dẫn tới tử vong. Rồi thêm hai phụ nữ khi đi theo bị sốc nhiệt, đuối sức, nằm gục trên mặt đường”, nên “cần phải bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân và sự ổn định xã hội”.
Nhiều người nói rằng ứng xử của chính quyền, quyết đoán, nhưng Minh Tuệ “mất tích”, không thể bị ai đó bách hại, như trường hợp Minh Đăng Quang, Huỳnh Phú Sổ. Với tình hình hiện nay, giữa được và mất, người ta vẫn chưa để Minh Tuệ biến mất vĩnh viễn.
Có người còn đoan chắc rằng: “Theo một nguồn tin khả tín hiện nay, thầy và một số huynh đệ thân cận đi theo thầy đã đồng ý với các cấp chính quyền về giải pháp chống ùn tắc, phiền hà và đã được đón đến một nơi ẩn tu an toàn”.
Khi trả lời các câu hỏi của Phật tử, tuy còn ít tuổi, Minh Tuệ tỏ ra rất kín kẻ, không muốn đụng chạm đến Giáo hội Phật giáo, như nói rằng mình không phải là người của Giáo hội, nói về việc mặc y, cũng như chuyện cái “bình bát”. Nhưng với chính quyền thì lại như là lời mở trói buộc chính mình. Sự trói buộc ấy có thể do lòng nhân từ hoặc từ tín lý. Là công dân thì phải chấp hành luật pháp, không thể để từ mình tạo nên những bất ổn trong xã hội. Chuyện chết người cũng vậy.
Minh Tuệ cũng từng nói về “an cư kiết hạ”, “ẩn tu ba tháng hạ”, có khi lâu hơn, thường là từ tháng 7, “trú xứ” để thiền định theo lời Phật dạy, vì ông mới giữ “Giới”, vẫn chưa “Định” được, theo như “Giới - Định – Tuệ”.
Mọi người đang tán đồng việc ẩn tu của Minh Tuệ ở thời điểm này. Nhưng theo tôi thì việc “tự mình” và “bị bắt buộc” là hai chuyện khác. Ứng xử của “nhà cầm quyền” với người tu hành, giống như cách đối xử với tội phạm. Tự ẩn tu và “bị xúc đi”, “bị hốt lên xe”, “bị bắt cóc” rất khác nhau.
Cũng như Minh Tuệ nói tu “không cần người đi theo bảo vệ, khuyên youtubers, mọi người trở về với công việc của mình”, thì họ đã giúp rồi đấy.
Muốn “thiền định”, rồi họ sẽ tìm một chỗ yên ổn cho “thiền định”. Giam lỏng cũng là chỗ yên ổn. Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng cho đi bộ hành tu nếu đám đông không sùng bái. Nếu còn thì tiếp tục “thiền định”. Như tôi đã từng nói, “đám đông có thể là kiếp nạn của ông”. Trong sự cảnh giác vốn dĩ của chính trị, bất cứ hiện tượng xã hội nào tạo được tín ngưỡng, đều bị để ý và nếu có tác động quá lớn thì đều bị ngăn chặn, triệt tiêu.
Và tôi vẫn kết như bài trước:
“Hình ảnh một Minh Tuệ quàng y chắp vá, ôm ruột nồi cơm điện xin ăn một bữa, ngồi ngủ trong nghĩa địa, rồi đi và đi. Thế thôi. Hình ảnh “thực hành pháp”. Hình ảnh phát ra ánh sáng từ thân tu, từ chấp hạnh, ánh sáng thiện lành, đủ sức đốt cháy những giả sư, xàm tăng.
Hiện tượng hành giả Minh Tuệ trở thành sự kiện đặc biệt hôm nay và sẽ là một sự kiện lịch sử”.
FB Tawni Thanh Thảo Nguyễn
No comments:
Post a Comment