Cho
tới hôm nay, “hạnh đầu đà” không còn là cụm từ xa lạ. Nhắc đến nó ta sẽ
nghĩ ngay đến sư Minh Tuệ, mặc dù ông không phải là người thực hành
hạnh này đầu tiên và duy nhất.
Điều gì làm nên một liên tưởng mặc định như vậy?
Vì
hạnh tu này quá khó, không mấy ai làm được, và trong cái thời buổi mạt
pháp này nó là thứ gì đó xa lạ, lập dị, kì quái. Nên sự xuất hiện của sư
Minh Tuệ đã khiến hạnh đầu đà như là pháp tu của riêng ông.
Nhìn
lại lịch sử, ngay thời Đức Phật tại thế, pháp tu này có không ít người
thực hành, nhưng không phải ngẫu nhiên mà đại đệ tử Ca Diếp được gọi là
“đệ nhất đầu đà”, nghĩa là chỉ ông mới thực hành một cách nghiêm trì và
đầy đủ nhất.
Lịch sử Phật giáo
trải dài gần 2600 năm, tất nhiên đã từng có không ít cao tăng, thánh
tăng chọn lựa con đường này và đạt được thành tựu viên mãn.
Nhắc
lại để minh định rằng không nên nhầm lẫn giữa hạnh đầu đà mà sư Minh
Tuệ đang hành trì là giống với cách tu của các nhà sư thuộc phái Khất Sĩ
ở miền Nam trước 1975, hay những tu sĩ thuộc phái Nam Tông bây giờ.
Giữa họ có một số điểm chung ở các pháp hành và giữ gìn giới hạnh. Nhưng
ở sư Minh Tuệ, ông mới là người thực hành nghiêm mật và rốt ráo tất cả
13 hạnh đầu đà ấy. Đó là lý do vì sao người ta kính trọng, ngưỡng vọng
ông, đặc biệt ngay trong giới tăng ni hoặc những bậc cao tăng đức độ
cũng phải tán thán. Vì sao vậy? Vì họ rõ hơn ai hết, ở thời điểm hiện
tại, ông là duy nhất. Cho nên, cần hiểu cho đúng, sức hút của ông, sự
lan toả của ông là do chính giới hạnh mà ông đắc được, chứ không phải là
nhờ truyền thông và mạng xã hội (tất nhiên họ cũng có phần trong đó).
Vẫn
có một số người đánh đồng, việc tu như sư Minh Tuệ cũng đang có đầy ở
các nước Phật giáo Nam truyền, như Thái Lan, Campuchia, Miến Điện… Xin
thưa, điều này không đúng. Ở các nước ấy họ tu thì cũng không khác mấy
những tu sĩ Nam Tông ở Việt Nam. Có điều họ đông hơn, mạnh hơn, vì Phật
giáo nước ta theo Đại thừa là chủ yếu.
Tôi
có tham khảo qua một số tu sĩ mà họ đã đi qua nhiều nước trên thế giới,
họ kết luận rằng như sư Minh Tuệ là rất hiếm. Đặc biệt, khả năng bộ
hành đầu trần chân đất đi trên đường nhựa với sức nóng - bỏng da cháy
thịt, có lẽ sức chịu đựng đó là vô đối. Nên nhớ, so với thời Ca Diếp đi
khất thực, khi ấy chắc chắn không có đường nhựa, chỉ là đường đất và cây
cối xanh tươi, bóng mát rất nhiều. Rõ ràng sư Minh Tuệ đã rèn luyện
được một thân kim cang để có thể hành cước liên tục, mà trên nét mặt vẫn
luôn bình thản, an lạc.
Như
vậy, thực hành được hạnh đầu đà là một sự phi thường. Cho nên không gì
ngạc nhiên khi sư Minh Tuệ được đánh giá là “một tu sĩ kiệt xuất nhất”
trong lịch sử Phật giáo Việt Nam (1). Ngoài ra, cũng bởi hình ảnh của sư
đã khiến bao người tỉnh thức, lột mặt bao kẻ dối gian, và nhiều người
đã buông bỏ tất cả mà bước theo ông trên con đường cao thượng này.
Từ
một hạnh đầu đà cứ thế đã có 72 hạnh đầu đà (2). Ta chưa bàn đến việc
71 hành giả kia có đủ căn cơ, ý chí để đi đến hết con đường hay không.
Hoặc giả 71 vị ấy sẽ có bao nhiêu đầu đà đắc đạo. Việc đó không quan
trọng, vì đâu phải cứ tu là đắc, cũng như thực tế ngày nay có bao nhiêu
tu sĩ, bao nhiêu chùa chiền mà có thấy vị nào đắc quả được đâu! Cho nên,
chỉ cần họ dám lựa chọn hạnh tu này đã là một sự dũng cảm hơn người.
Thế
giới tìm một đầu đà đã hiếm trong khi đất nước ta lại có cả một đoàn
tăng hạnh đầu đà. Vậy, điều này không đáng để Phật giáo Việt Nam tự hào
với thế giới hay sao?
Có thể
nói, hiện tượng này là hi hữu, khiến âm vang các nẻo, rúng động chư
thiên, vì ngay cả khi Đức Phật còn tại thế cũng không có đầu đà đông như
vậy!
Trớ trêu thay! Họ không lấy đó làm tự hào mà ngược lại họ không vui, lo lắng, bất an.
Thế
là đoàn đầu đà phải bị chấm dứt. Có lẽ, nếu không có bước đi này đoàn
tăng ấy sẽ còn tăng thêm mỗi ngày và con số là không ai có thể biết
trước. Khi ấy không biết thế giới nhìn vào chúng ta với con mắt như thế
nào đây?
Khi họ bị chặn đứng,
chia tách, giải tán, đó là thời khắc u ám, ảm đạm với tất cả những người
mộ đạo và lương thiện. Nhưng lập tức, như một tia sáng lóe lên khi mà
những con người ấy rải đi khắp nẻo tìm nhau, cũng là lúc hạnh đầu đà
xuất hiện mang theo hạt giống bồ đề rải khắp nơi nơi, và một lần nữa
hương đức hạnh được lan xa, bay cao.
Chỉ
cần thấy một vị đầu đà người ta sẽ nhớ ngay về sư Minh Tuệ, và chỉ như
thế người ta đủ biết người tu là như thế nào - người tu không cần ăn
ngon mặc đẹp, người tu càng không được giữ tiền bạc. Khi đó các giá trị
chân - ngụy, chánh - tà, thiện - ác, tự khắc lộ rõ. Và chúng Phật tử sẽ
tự biết họ phải làm gì.
Chưa
dừng lại ở đó, sức mạnh của hạnh đầu đã như đã ăn sâu vào tâm thức mỗi
người, nên ngay cả khi không gặp một vị đầu đà trước mặt mà chỉ cần nhìn
thấy vài miếng vải rách, vải nhiều màu thì cũng đủ khiến họ nhớ về một
đầu đà Minh Tuệ. Đây cũng chính là giá trị tỉnh thức mà ông đã mang lại,
một khi nó đã gieo vào đầu thì không một quyền lực nào có thể tẩy trắng
đi được.
Vậy nên, cho dù ông có
bước đi hay dừng lại, cho dù những huynh đệ kia có tìm thấy nhau hay
tan rã; thì sự tỉnh thức vẫn không thể quay đầu, nó sẽ tiếp tục hành
trình, nó phải hoàn thành sứ mệnh; và đến một lúc nào đó ta lại thấy
hạnh đầu sẽ có ở muôn nơi, có lẽ cũng sớm thôi!
————
P/s:
Hôm nay sét ở bầu trời Hà Nội cả ngàn cơn. Hi hữu. Kẻ vô thần lại
thường hay sợ hãi, người tín thần thì đã có đức tin. Xưa nay thiên nhân
cảm ứng, người xưa dạy chớ có nghi ngờ.
———-
Chú thích:
(1) Tăng đoàn GHPGVNTN
(2) Ngay cả trong số đó nếu có vài vị giả tu.
————
Nha Trang, 05/06/2024
Nguyễn Thanh Huy
No comments:
Post a Comment