Thực
trạng mất còn của đạo Phật trong suốt 2568 năm qua không nằm trong quy
ước mất còn của thế tục bởi bản chất cứu khổ của đạo Phật không tính
bằng đơn vị cân đo đong đếm của đời thường.
Phật giáo mất như thế nào?
Đây không còn là một câu hỏi mà thật ra cần một câu trả lời.
Phật
giáo là một biểu tượng thanh thoát của đời sống tinh thần bình thường
mà an lạc. Bởi vậy, sự lẩn quẩn trong một thế giới chỉ thấy vật chất và
hình tướng, bị nguyên tắc bao quanh thì dẫu cho ở chốn đại thiền môn
chùa to tượng lớn, tứ chúng rầm rộ, lễ lạc tưng bừng thì cũng vắng bóng
đạo Phật ví như biển nước đục ngầu dậy sóng thì làm sao thấy được bóng
trời xanh.
Cho
nên cái “được” trong Phật giáo rất có thể là cái “mất” giữa đời thường
và ngược lại. Sau khi đắc đạo trở về thăm lại Hoàng cung và phụ vương,
đức Phật đã gặp lại người anh em họ đầy tỵ hiềm và ganh tỵ. Thấy đức
Phật đi chân đất, tay ôm bình bát khất thực, mình choàng tấm áo cà sa
đơn giản. Đề Bà Đạt Đa nhếch mép cười thách thức và hỏi: “Thế Anh ra đi
bao lâu, sáu năm khổ hạnh để được cái gì?”
“Ta mất đi nhiều hơn là được” mỉm cười, đức Phật trả lời.
“Thảo nào! Đấy là một sự thất bại lớn…” Đề Bà Đạt Đa kêu lên và cười to thỏa mãn.
Chẳng
cần quan tâm dao động thị phi, đức Phật nhẹ nhàng hóa giải, “Ta mất đi
lòng tham danh lợi, mất hết tức giận hận thù, mất hẳn si mê bám chấp và
bảo thủ. Mất nhiều mà chỉ được một, đó là thân tâm thường an lạc.”
Năm
520, diện kiến Đạt Ma Tổ sư, Lương Vũ Đế hỏi: “Từ ngày lên ngôi tới
nay, trẫm đã cho xây nhiều chùa to tượng lớn, ấn tống kinh sách, hảo độ
hàng vạn tăng chúng, công đức như thế có lớn không?”
Đạt Ma đáp: “Chẳng có gì đáng kể cả”
“Tại sao hộ pháp, độ tăng nhiều như thế mà lại không có công đức gì cả?”
“Bởi
vì những việc vua làm chỉ là nhân ‘hữu lậu’. Đấy chi là những thành quả
nhỏ trong vòng nhân thiên, ảo tướng tùy hình, có mà chẳng thật.”
“Như thế, thật tướng công đức là gì”
Đạt
Ma thuyết: “Tâm thanh tịnh, thể trống không rỗng lặng mới thật là công
đức, công phu. Vì thế không thể lấy việc thế gian mà đo lường được.”
Và có bao nhiêu cái được đời thường hóa ra là mất trong tầm nhìn Phật giáo.
Sau
cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo năm 1963, giáo
hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Năm 1981, giáo hội
Phật Giáo Việt Nam được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tôn
giáo Chính phủ với khẩu hiệu: Dân Tộc – Đạo Pháp – Xã hội Chủ nghĩa. Đại chúng Phật giáo nghiêm khắc đặt vấn đề: “Có chăng thay khẩu hiệu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc bằng Độc lập – Tự do – Giải thoát liệu Ban Tôn Giáo có khả dĩ chấp nhận được chăng?”
Một
đạo Phật truyền thống, vô hình chung, bị cột buộc vào một chủ nghĩa
chính trị và xã hội của thế lực cầm quyền thì sự phát triển của Phật
giáo tất nhiên sẽ bị rẽ hướng theo nhu cầu chính trị thế quyền. Và hơn
40 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã trở thành một phương tiện của chính
quyền về mặt lãnh đạo, tổ chức và sinh hoạt.
Vai
trò của Phật giáo đối với đất nước suốt dòng lịch sử là gắn liền với
vận mệnh của dân tộc. Tổ quốc điêu tàn thì Đạo pháp cũng suy vong. Thời
thịnh trị có sự đồng hành tương tác giữa tôn giáo và thế lực lãnh đạo
như thời đại Lý Trần, Phật giáo đóng vai trò tham vấn về đạo lý và sức
mạnh tinh thần cho vua quan ứng dụng tinh thần thân dân và thực hiện vai
trò bảo vệ đất nước. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng cởi cẩm bào
khoác chiến bào chống xâm lăng và khi tổ quốc bình trị thì treo chiến
bào để khoác áo cà sa. Những thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Tuệ Trung…
là những nhà tham vấn lỗi lạc làm chỗ dựa cho vua quan trong quá trình
trị nước an dân.
Nhưng
một khi tôn giáo (bất cứ tôn giáo nào) đã biến thành phương tiện làm
đẹp tinh thần của chính trị thế quyền thì tôn giáo đó chỉ còn là những
cổ xe tứ mã để trang điểm cho người nắm quyền lực hơn là còn có được một
vai trò dù là khiêm tốn đến mức nào để có cơ hội đóng góp cho quá trình
trị nước an dân.
Đánh
mất là khi đã cầm trên tay nhưng để rơi ra ngoài tầm hành hoạt. Đạo
Phật đã rơi khỏi tay của Ban Tôn giáo khi quan hệ tương tác giữa đôi bên
không còn là đối thoại song phương mà thi hành chỉ thị. Hoạt động nội
bộ của đạo Phật như bổ nhiệm trụ trì, tấn phong đạo vị, hoàn thiện nhân
sự cho giáo hội… đã phải phủ phục nhận quyết định từ thế lực cầm quyền.
Ban Tôn giáo đã đánh mất Phật giáo như thế nào:
– Phật giáo đã bị thu lại thành một đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Tổ quốc.
– Hàng giáo phẩm Phật giáo được bổ nhiệm như quan chức Nhà Nước.
– Giáo quyền do thế quyền chủ động hành xử và chỉ còn đóng vai trò lễ nghi, thụ hưởng.
– Giới luật nhà Phật triển khai và ứng dụng bị vận dụng hay cưỡng chế bằng pháp luật xã hội.
– Nội dung hoằng pháp, hộ pháp và trạch pháp do thế quyền chỉ đạo.
– Tăng Ni và Phật tử biến tướng thành khối quần chúng phụ thuộc, vô danh.
Trong
một hoàn cảnh như thế tuy Phật giáo vẫn còn tồn tại; thậm chí phát
triển tưng bừng, hoa hòe hơn nhưng chỉ là hình tướng và phương tiện nên
phàm tăng, tục chúng nhiễu loạn cửa thiền càng trầm trọng. Chân tăng,
thiện tri thức và tín chúng thì rút lui vào im lặng trong khi cảnh chùa
viện Phật giáo càng ngày càng náo nhiệt như một bệnh dịch đang hoành
hành.
Bậc
cao minh lắc đầu ngao ngán, phường phàm phu đắc chí vênh vang. Cửa
thiền rộng mở nhưng không phải cảnh thiền môn thanh tịnh, Tam Bảo trang
nghiêm mà ngược lại, Tam Bảo bất an, nhân tâm náo loạn.
Khi
Phật giáo bị đánh mất thì “Phật sự đa đoan” trở nên tha hóa, mập mờ và
hỗn tạp với những hiện tượng bất pháp, vô minh, thân tàn, tâm diệt.
Khi
Phật giáo bị đánh mất thì thiền môn bất tịnh, chân tăng thối chuyển, ma
quỷ vận áo cà sa lên ngôi với những trò thuyết pháp mỵ tín đồ, pháp
ngôn dung tục, nội hàm cẩu thả và pháp chủ tà môn.
Khi
Phật giáo bị đánh mất thì ba ngôi Tam Bảo chỉ còn một ngôi Nhất Bảo Kim
Cang Phật may ra yên vị; trong lúc Tăng Bảo thoái trào và Pháp Bảo lung
lay.
Khi
Phật giáo bị đánh mất thì pháp nạn tự thân xuất hiện: Tu sĩ biến thành
doanh nhân; tín đồ Phật tử biến thành những phẩm vật tế thần cúng dường
vô điều kiện cho những dịch vụ ma vương như những trò lừa mị kiểu xá lợi
Phật, cúng tế cầu vong, oan gia trái chủ… trùng trùng mê tín dị đoan
loạn động, công khai mà mọi người đều chứng kiến.
Công án Minh Tuệ: Hoàn Không
Chữ
“không” trong Phật giáo được các học giả phương Tây dịch ra thành nhiều
cách, mỗi cách mang một nội dung khác nhau: Không (nothingness = không
có gì cả), không (emptiness = trống không), không (nihility = hư vô),
không (voidness = không có ). Tôi chọn khái niệm sau cùng nầy khi nhìn
tấm ngân phiếu mình đã ghi lên đó số tiền bao nhiêu, trả cho ai nhưng
khi muốn hủy tất cả “cái có” thành “cái không” thì tôi viết trên chi
phiếu đó một chữ đậm là “VOID”: Cái ngân phiếu thành ra thực tế có đó
nhưng nó hoàn toàn trống rỗng, không mang một cái có thực hữu nào cả.
Khái niệm này chỉ ra rằng tất cả các hiện tượng đều không có bản chất tự
thân và không tồn tại độc lập. Mọi vật đều phụ thuộc lẫn nhau và chỉ
tồn tại do các nhân duyên hợp lại.
Công
án, nói một cách phổ thông và dễ hiểu là những lời nói, việc làm, động
thái, sự kiện nhưng chúng ta không thể hiếu hay tìm ra ý nghĩa rõ ràng
của nó bằng kiến thức, cảm quan, suy luận theo ý nghĩa thông thường mà
chỉ có thể thâm nhập hay nhận thức nó bằng trực giác.
Từ
mấy hôm nay, hiện tượng Minh Tuệ làm tôi suy nghĩ. Tuy mọi sự kiện xoay
quanh nhân vật nầy trong suốt như pha lê, thật như đếm, rõ như ban
ngày, dễ hiểu như hơi thở của chính mình; thế nhưng tôi cũng như nhiều
người vẫn mịt mờ không hiểu nổi “vì sao như thế”?!
Hàng
triệu con mắt, tấm lòng và cảm quan đã dồn về Tu sĩ Minh Tuệ đều thấy
rõ rằng nhân vật này không có gì đặc biệt cả: Kiến thức Phật học sơ cơ,
chẳng có một danh vị nào để xưng tán, chưa được đăng đàn thọ giới, chưa
từng qua chùa viện tu trì, không nói một câu Phật lý nào minh triết,
chẳng kinh kệ sớm hôm… nghĩa là không một dấu chỉ có sự trói buộc nào
vào những quy lệ thường tình của một người xuất gia theo Phật truyền
thống.
Thế
nhưng Tu sĩ Minh Tuệ có cả một vùng hào quang vô hình trong suốt bao
bọc và tỏa chiết đến mọi người: Cái tôi không còn bám chấp, danh lợi là
hư không, tham sân đều xả bỏ, ái dục đã xa lìa, cái ngủ cái ăn chỉ đủ để
duy trì sự sống, bệnh tật sống chết không màng, tiền bạc của cải vật
chất không bao giờ dính tay, lấy khổ hạnh du phương làm an nhiên tự tại.
Cái Tánh Hữu đời thường của Tu sĩ Minh Tuệ phảng phất đạo vị Tánh Không
tự tại của nhà Phật.
Những
ngày theo dõi khá thường xuyên con người và hành trạng của Tu sĩ Minh
Tuệ, thoạt tiên tôi cho đó một nguyên cớ, một giọt nước tràn ly của một
cái ly đã gần tràn. Chất liệu chứa đầy trong ly mang một nội dung tượng
trưng mà rất thật: Đó là Phật giáo Việt Nam với đủ tướng trạng, nội hàm
cùng phong cách sinh hoạt của chùa viện, tu sĩ và đại chúng.
Tôi đã viết một tham luận nhỏ có đề tài là: “Tu sĩ Minh Tuệ…giọt nuớc tràn ly” nói lên cảm tưởng của mình về Phật giáo Việt Nam trong tầm quan sát và hiểu biết trực tiếp cũng như gián tiếp của mình.
Theo
dõi bước chân của Tu sĩ Minh Tuệ và phản ứng của quần chúng trong cả
nước và thế giới quan tâm từng giờ, từng phút, suốt đêm ngày, ai cũng tự
hỏi rằng: Sức hút và “phép lạ” nào đã quyện vào một nhân vật chơn chất,
thật thà, đạo hạnh gần như vô danh trong chỉ vài ba tuần trước đó nay
bỗng nhiên lại trở thành đối tượng “siêu quần bạt chúng” làm sôi động cả
nước như thế?
Thử
lật ra vài trang sử các phong trào quần chúng trên thế giới có sức hút
tương tự còn ghi dấu trong ký ức của mọi người như “Tank man”, người
thanh niên trẻ tuổi vô danh một mình tay không đứng chặn cả đoàn xe tăng
59 chiếc đang rầm rập tiến vào Thiên An Môn để đàn áp phong trào quần
chúng đòi tự do và quyền sống tại Trung Quốc ngày 5-6-1989. Chỉ một phút
trôi qua với ống kính của Jeff Widener của AP, “Tank man” đã trở thành
biểu tượng thiên thu về lòng can đảm của người dân yêu chuộng tự do và
sự hung tàn của thế lực đàn áp. Hình ảnh người phụ nữ da đen không chịu
nhường ghế “dành riêng cho người da màu” cho một thanh niên da trắng
trên một chuyến xe buýt phân biệt chủng tộc tại Montgomery năm 1955 đã
làm dấy lên phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ và trên toàn
thế giới…
Và,
bao nhiêu cá nhân yếu đuối, vô danh, vươn lên như ánh đèn, như tia
chớp, như giọt nước tràn ly, như tiếng chuông cảnh tỉnh gây nên những
phong trào quần chúng nhất thời hay lâu dài; địa phương hay toàn diện
đứng lên đấu tranh đòi hỏi sửa sai đối với sự sai lầm, chấn hưng đối với
tình trạng thoái trào, trừng phạt đối với tội ác. Người đóng vai “khởi
động” vô tình hay cố ý, dù chỉ thoáng qua hay lâu dài một khi tạo ra
được tác dụng tích cực hay ảnh hưởng tốt đẹp trong quần chúng sẽ mãi mãi
trở thành biểu tượng chiếu rọi âm u thành ánh sáng.
Sớm
hôm nay, ngày 3-6-2024, được tin là Tu sĩ Minh Tuệ đã “tình nguyện chấm
dứt” (?!) cuộc đi bộ hành cước khổ tu. Hình như hết thảy những người mà
tôi được gặp hay tiếp xúc qua mạng lưới truyền thông, sẽ không có ai
ngạc nhiên nếu có “sự cố” nào xảy ra cho Tu sĩ Minh Tuệ; kể cả cái chết
bất đắc kỳ tử bởi bất cứ cách xếp đặt hay phương tiện nào xảy ra.
Điều
quan trọng nhất: Tu sĩ Minh Tuệ đã làm xong nhiệm vụ, đem 6 năm khổ tu
dồn lại mấy tuần, đem chính thân mạng của mình để minh họa lại hình ảnh
và đạo hạnh của một nhà tu theo Phật:… là như thế đó. Phật tử và quần
chúng cả nước và khắp năm châu ít nhất cũng có một khái niệm về hình ảnh
và phẩm chất tối thắng của một người tu theo Phật giáo chân chính căn
bản là như thế nào. Tuyệt nhiên không phải là những màn múa may thời mạt
pháp với những Tăng (ông), Ni (bà) đang lợi dụng một đạo Phật thậm thâm
vi diệu thành hí trường gây quỹ hay môi trường kinh doanh trục lợi trên
sự nhẹ dạ vô tâm của quần chúng Phật tử đang phủ phục cúng dường!
Ước
mong và cầu nguyện chúng ta nên thực hành theo con đường Trung Đạo của
nhà Phật: Không thái quá mà cũng chẳng bất cập. Kẻ tham lam xin dẹp bớt
lòng tham; người khổ hạnh xin nhẹ dần khổ hạnh.
Cám
ơn Tu sĩ Minh Tuệ đã đem hạnh tu trong sáng của người tu sĩ theo Phật
để giúp khai thị hay nhắc nhở cho những ai trong tứ chúng Phật Tử hiện
tiền đã và đang cố tình hay vô tâm đi sai đường Chánh Đạo.
Xin kính chúc Tu sĩ Minh Tuệ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng được viên thành đạo quả.
Trần Kiêm Đoàn
No comments:
Post a Comment