“Trong Thanh tịnh đạo luận (Visuddhimagga) và một số kinh điển Nam truyền, có nhắc đến 13 hạnh đầu đà, là những hạnh tu khổ hạnh giúp người xuất gia rèn luyện sự thanh tịnh và buông bỏ, nâng cao tinh thần giác ngộ. Những hạnh này được xem là phương pháp hữu hiệu để tu hành, gìn giữ sự thanh tịnh của tâm hồn và tiến gần hơn đến giải thoát.
1. Hạnh phấn tảo y: Sử dụng y phục làm từ vải vụn, không phải từ những chất liệu mới mẻ hay đắt tiền. Hạnh này giúp người ta buông bỏ sự kiêu hãnh về ngoại hình và tập trung vào nội tâm.
2. Hạnh ba y: Chỉ sở hữu ba y, không có thêm y phục nào khác. Hạnh này giúp giảm bớt lòng tham ái và sự phụ thuộc vào vật chất.
3. Hạnh khất thực: Đi khất thực để nuôi sống bản thân, không dựa vào sự cung cấp riêng từ một người nào. Hạnh này rèn luyện sự khiêm nhường và tinh thần từ bỏ của cải vật chất.
4. Hạnh khất thực từng nhà: Đi xin ăn từ nhà này sang nhà khác, không ở lại lâu một nơi. Điều này giúp tâm hồn không bị gắn bó với một nơi chốn hay con người cụ thể.
5. Hạnh nhất tọa thực: Chỉ ăn một lần trong ngày, không ăn thêm bữa nào khác. Hạnh này giúp kiểm soát và giảm bớt sự tham ăn, nâng cao tinh thần khổ hạnh.
6. Hạnh ăn bằng bát: Chỉ dùng một bát để ăn, không sử dụng nhiều vật dụng. Điều này tượng trưng cho sự giản dị và không lệ thuộc vào những tiện nghi không cần thiết.
7. Hạnh không để dành đồ ăn (không nhận đồ ăn sau khi đã ăn xong): Không giữ lại thức ăn cho lần ăn sau, sống trong sự thanh tịnh và từ bỏ. Điều này rèn luyện tính kỷ luật và sự không chấp giữ.
8. Hạnh ở rừng: Sống trong rừng, xa lánh thế gian để tập trung vào việc tu tập. Hạnh này giúp giải phóng tâm trí khỏi những phiền não của cuộc sống đô thị.
9. Hạnh ở gốc cây: Chỉ ở dưới gốc cây, không xây dựng nhà cửa. Điều này giúp giảm thiểu sự sở hữu và sống gần gũi với thiên nhiên.
10. Hạnh ở giữa trời: Sống ở nơi không có mái che, để rèn luyện sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng. Hạnh này giúp tăng cường tinh thần chịu khổ và từ bỏ tiện nghi.
11. Hạnh ở nghĩa địa: Ở tại các nghĩa địa để thiền định và nhận thức về sự vô thường của cuộc sống. Hạnh này giúp người tu thấy rõ bản chất của sinh tử và không còn sợ hãi cái chết.
12. Hạnh nghỉ chỗ nào cũng xong: Không có chỗ nghỉ cụ thể, ngủ ở bất cứ nơi nào. Hạnh này giúp buông bỏ sự gắn bó với một nơi chốn cụ thể và rèn luyện tính linh hoạt. Thường đi du hành, không ở một chỗ.
13. Hạnh ngồi (không nằm): Chỉ ngồi và không nằm xuống, ngay cả khi ngủ. Điều này rèn luyện tính kỷ luật và sự kiên định trong việc tu tập.
Mỗi hạnh đầu đà này đều mang một ý nghĩa sâu sắc trong việc rèn luyện tâm hồn và giúp người tu hành buông bỏ những ràng buộc thế gian. Qua việc thực hành những hạnh này, các vị xuất gia có thể đạt được sự thanh tịnh nội tâm và tiến gần hơn đến sự giác ngộ.
(Thầy Pháp Nhật, Phatgiao.org, Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày 21/4/2024).
Những vạt áo vàng như nắng sớm, những bàn chân mướt tựa sương thu
Núi non trải rộng, xanh ngắt một màu. Trên con đường mòn quanh co từ núi đi ra, có một hàng rất dài nhà sư đang đi bộ. Họ khoác cà sa vàng nghệ tươi nổi bật trên nền núi rừng xanh mờ, tay ôm bình bát, đầu không mũ nón, đi chân trần. Gần bốn chục vị bước đi cách đều nhau tăm tắp, tạo thành một đường cong lấm chấm vàng rực chuyển động nhẹ nhàng, đẹp như vẽ giữa núi rừng hùng vĩ.
Trong một set quay đẹp như mộng khác, đó một vị, đây một vị, kia một vị… ngồi khoanh chân trên tảng đá mọc chìa ra trên mặt suối. Lưng họ thẳng như cán thương, hai bàn tay chắp trang nghiêm giữa làn sương mờ bạc phủ làn lụa ảo diệu xuống núi rừng hay trong luồng nắng trong vắt lấp lánh chiếu rọi từ phía sau, viền lên quanh đầu, cổ và vai của họ những viền sáng như hào quang.
Lại một cảnh quay tuyệt vời nữa: Dòng suối tuôn chảy bắn tung những cuộn nước bạc qua ghềnh đá. Những vị sư ôm bình bát lội qua suối, nước ngập đến đầu gối, chệnh choạng trên đôi chân trần trên đường đi khất thực.
Rồi những đôi chân trần dưới tà cà sa vàng nghệ đặt nhẹ
lên những mỏm đá, đường mòn, bước đi nhẹ nhàng giữa làn nắng sớm trong
mờ buông xuống màn xanh thăm thẳm của núi rừng, như vị tiên đang bước
giữa cõi tiên.
Rồi những cảnh quay góc rộng: Giữa triền đồi cỏ xanh
biếc, mấy chục vị tăng ngồi xếp bằng ngay hàng thẳng lối, mặt trang
nghiêm cung kính hướng về bậc chân tu ngồi đĩnh đạc ở phía trên cùng.
Bức ảnh được chú thích là các sư đang lắng nghe thượng tọa trụ trì giảng
pháp.
Rồi một đoàn sư đi từ trong rừng ra, lần này ảnh chụp chính diện, rõ mặt người đi đầu tiên. Tầm vóc cao rộng cân đối, khuôn mặt quả trứng đẹp, trán rộng vuông vức, đôi môi rõ nét. Đặc biệt nhất là đôi chân trần đang bước đi: đôi chân bước theo đường chéo chữ V, điệu đà như đang đi catwalk, rồi ồ, chiếc bình bát trên tay sư sao ánh lên màu vàng óng ánh thế kia? Nó khác hẳn với những bình bát (có màu) bạc trên tay các sư còn lại.
Chả nhẽ chiếc bình bát khất thực cũng phải phân chia đẳng cấp thấp cao ư?
Xem
xem: những chiếc cà sa vàng nghệ rực rỡ làm sao. Tất cả mười mấy chiếc y
trên người đoàn sư từ rừng ra (và được chú thích là) đi khất thực vào
mỗi sáng đều có cùng một sắc độ vàng tươi giống hệt như nhau. Chúng cũng
đều mới tinh, phẳng phiu, không hề nhăn nheo, không hề sờn rách, không
hề tưa mép, không hề lấm bẩn, không hề có góc nào bị phai nhạt hay đổi
màu.
Những chiếc bình bát theo các sư đi khất thực hàng ngày, lội qua suối, đi dưới nắng mưa nhiều ngày cũng thế. Chúng tròn vo, sáng bóng, đẹp không tưởng. Giống như tà áo cà sa trên người các sư, chúng không hề bị một vết xước, cũ, méo, ố màu, mất lớp mạ ngoài… nào cả.
Nếu thực hành hạnh đầu đà trong rừng thời gian dài, mỗi ngày đều lội qua suối, băng mấy chục cây số đường rừng đi khất thực rồi lại lội mấy chục cây số trở về. Ngồi trên cỏ, ngồi gốc cây, ngồi tảng đá, giặt phơi y trên tảng đá hay thân cây… tất cả các dấu tích hư hoại đó đều sẽ in lại trên tấm cà sa. Nhất là nếu các sư tuân theo hạnh tam y, quanh năm chỉ đắp trên người một tấm y đó, rách hết chỗ vá mới thay y khác.
Thế nhưng… vi diệu thay!
Chúng ta cũng nhìn kỹ đôi gót chân đang nhón bước hình chữ V trên con đường rừng, hoặc đang nhẹ nhàng giẫm lên những tảng đá rung rinh trong lòng suối, trong mùa đông cắt da. Có lẽ các sư biết phép lột da, chứ khá nhiều những đôi gót chân ấy bộ hành đường rừng ấy vẫn mượt mà xinh đẹp, không hề chai sạn, không hề bị nứt nẻ ở gót.
Mấy chục vị tăng tu hạnh đầu đà “trong rừng sâu” “tu cho đến thành chánh quả mới được ra” như lời họ tự giới thiệu, hoặc chỉ được ra khỏi rừng khi chùa có Phật sự lớn cần giúp đỡ. Thế nhưng quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có một túp lều bằng tranh tre, mái bạt, có cửa sổ, được giới thiệu là nơi tu tập của trụ trì khi ở trong rừng sâu. Ngoài ra, còn duy nhất một chiếc lều con con khác cũng dựng lên bằng bạt chống trên vài thanh tre nhỏ, được giới thiệu là nơi ngủ đêm của các tăng.
Vậy, trong mùa đông rét buốt của miền núi phía Bắc, nơi có khi nước gần đóng thành băng thì mấy chục vị tăng khác ngủ đêm ở đâu? Dưới gốc cây, trên triền đồi hay trên tảng đá ven suối?
Mỗi ngày đều phải trèo núi, lội suối đi mấy chục km mới ra được đến cửa rừng để đi khất thực, lại sống hành xác kham khổ như vậy mà trong các cảnh quay cận, sư nào cũng béo khỏe mượt mà, làn da không hề bị rám nắng mà trắng bóng đến phát sáng.
Hạnh đầu … độc của sư Thích Trúc Thái Minh
Khéo léo thay bàn tay đạo diễn cho những chiếc video. Toàn bộ những cảnh quay từ cận cảnh đến toàn cảnh hay flycam từ trên xuống, không một cảnh nào là tự nhiên. Tất cả đều được chọn lựa và dàn dựng rất công phu từ góc độ, ánh sáng, màu sắc y phục và động tác, để mỗi cảnh đều đạt được ấn tượng thị giác mạnh mẽ.
Thế nhưng khéo quá hóa vụng. Tất cả các chi tiết quá đẹp đẽ hoàn mỹ đều quay lại phản chủ. Chúng kêu thét lên rằng đây là cảnh giả, mọi thứ trong đó đều là đạo cụ. Mấy chục vị sư đắp y ôm bình bát khuôn mặt trang nghiêm cũng đều đang diễn theo ý đồ trụ trì. Để quảng bá … “tự hiệu” nhà chùa.
Marketing, kêu gọi đầu tư, tài trợ cho chùa, hiện có ai giỏi hơn sư Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng nữa?
Quý vị cứ vào fanpage của chùa Ba Vàng để thán phục trình điều binh khiển tướng, tổ chức truyền thông, làm hình ảnh quảng cáo thượng thừa… của ông sư này.
Chùa Ba Vàng luôn luôn xuất hiện trong những hình ảnh đẹp
đẽ, hoành tráng, lung linh nhất. Các sư trong chùa thì đạo hạnh, hy
sinh, khiêm cung, thần thái ngời ngời. Thầy trụ trì thì vừa đẹp trai
sáng láng vừa học thức, thông thạo cả cõi Phật lẫn cõi ma. Đặc biệt,
những bức ảnh chụp thầy thường na ná các bức tranh trong truyện Phật.
Cảnh chùa đẹp như cảnh tiên, đến chùa không mất tiền ăn tiền ở, lại tha
hồ chụp hình khoe Facebook, thí chủ (thường là phụ nữ trung niên, có
tiền và thời gian) mê thích đến rộn rã trong lòng ấy chứ.
Thế nhưng
túi vàng của chùa Ba Vàng không nằm ở đó. Lớp vỏ long lanh đấy chính là
miếng mồi thơm phức dắt dẫn người ta đến để sập bẫy giải nghiệp oan gia
trái chủ mà thôi.
Người dân truyền miệng rất nhiều về việc muốn trụ trì chùa thì đều phải cúng tiền, từ vài trăm triệu trở lên cho các bậc bề trên trong giáo hội, cho đến các cơ quan chuyên trách tôn giáo ở địa phương.
Người viết không xác tín được tin đồn này, nhưng thực tế có những điều rất khó biện bạch ngược lại.
Như việc sư Thích Trúc Thái Minh cách đây vài năm đã phải sám hối đại tăng về hoạt động giải nghiệp oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng, nhưng hối xong, sư lại về chùa tiếp tục giải nghiệp, không nghỉ ngày nào. Các clip và bài viết trong đó chính sư Minh giảng giải về oan gia trái chủ, về nghiệp báo… vẫn chình ình trên các trang mạng chính thức của chùa Ba Vàng, họ chẳng thèm ẩn đi hay xóa bớt khi dư luận công kích. Bất cứ người nào đến chùa xin chữa bệnh, xin gia đình hết bất hòa, xin con cái đi thi đỗ đạt, chuyển cơ quan thành công, hay vợ đẻ con trai, hàng xóm không hát Karaoke ồn ào suốt ngày nữa… đều được bộ máy kinh doanh của chùa Ba Vàng tóm cổ vào phòng để giải oan gia trái chủ.
Oan làm sao? Trái như thế nào?
Thì, do thí chủ trong ba vạn chín nghìn kiếp trước đã từng đánh một con chuột, nên nó mang lòng thù hận, đi theo gây bệnh mõm nhọn cho thí chủ. Hoặc 3.976 kiếp trước, thí chủ là một con dế suốt ngày gáy oang oang trong góc nhà người khác khiến họ không ngủ được, vì vậy kiếp này chịu cảnh hàng xóm hát karaoke suốt đêm… Đại loại như thế, tất cả đều diễn trong muôn vạn kiếp trước của thí chủ, nên kiếp này chỉ có cúng dường tiền bạc thật nhiều, rất nhiều, vô cùng nhiều cho chùa Ba Vàng thì mới được các sư tăng giúp hóa giải oan trái ấy.
Người phàm nào có thể cãi lại chân lý vô lượng kiếp của bậc thầy đầu trọc mặc cà sa? Rất nhiều người đã bị choáng ngợp vì sự “đạo hạnh, xuất trần” của các sư “tu theo hạnh đầu đà” của chùa Ba Vàng, rồi u mê cun cút nộp tiền cho chùa để giải oan gia nghiệp chướng. Đến khi tiền hết, nhà bán, bệnh tật vẫn còn (hoặc nặng thêm) mới tỉnh ra, thì có khi đã muộn.
Dựa vào đâu sư Minh ngang nhiên, thách thức đến thế? Hỏi đã là trả lời.
***
Hôm nọ, thấy sư Thích Minh Tuệ được Phật tử và người dân yêu quý, tôn kính quá, Giáo hội Phật giáo Việt Nam viết công văn ấm ức khoe mình cũng có nhiều tăng ni đang tu theo hạnh đầu đà tại các chùa, cơ sở tự viện “theo đúng Chánh pháp và các quy định của pháp luật” (chứ không phải ông Thích Minh Tuệ của các vị đâu, ông này chẳng qua chỉ là một người dân thường đi lang thang!). Cơ mà cáu lắm, công văn phát ra đến hai lần mà chẳng Phật tử nào thèm quan tâm. Người dân cứ dõi theo, tán thán và kính ngưỡng ông sư chân đất áo vá, vì tuy ông nhất quyết không thừa nhận mình là một tu sĩ mà chỉ đang tập học, tập tu theo Đức Phật, nhưng lối sống của ông đã minh chứng cho những đức hạnh mà Đức Phật khuyên theo.
Soi vào ông, Phật tử và người dân càng trông thấy rõ bản chất của những kẻ cạo đầu gõ mõ mà miệng thì đòi Phật tử cúng tiền mệnh giá lớn tận tay, nếu không cả năm sẽ bị xui xẻo như sư Thích Chân Quang chùa Phật Quang, hay những trò biểu diễn “hạnh đầu đà” sặc mùi sân khấu và lòe bịp như kể trên tại chùa Ba Vàng.
Sư mô như thế mà xưng là tu theo hạnh đầu đà á? Hạnh đầu độc thì có!
Đầu độc trước hết chính bản thân những người xuất gia (thật hay giả vờ) đang vô tình hoặc cố ý tham gia vào trò lừa gạt của sư Thích Trúc Thái Minh, sau đó đầu độc Phật tử và người dân, đầu độc niềm tin vào Phật giáo và đầu độc xã hội.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
* Nguyễn Nhơn là nhà báo Việt Nam hiện đang sống ở
Thái Lan. Nhà báo Nguyễn Nhơn quan tâm đến tình hình đất nước và viết
nhiều bài về các vấn đề chính trị và xã hội trong nước.
No comments:
Post a Comment