Thích Minh Tuệ (pháp hiệu, sinh năm 1981 tại Hà Tĩnh), tên khai sinh là Lê Anh Tú, là một tu sĩ Phật giáo người Việt Nam. Từng có thời gian ngắn tu tại chùa sau khi từ bỏ công việc địa chính viên, Thích Minh Tuệ quyết định "tập học theo lời Phật dạy" bằng cách giữ 13 hạnh đầu đà theo Phật giáo Thượng tọa bộ và bộ hành khất thực khắp đất nước trong nhiều năm. Hành trình đi bộ năm 2024 của ông gây nên sự chú ý với đông đảo quần chúng Việt Nam, thu hút hàng nghìn người đến tìm gặp và có lúc lên đến hàng trăm người theo chân ông, dẫn tới nhiều xáo trộn xã hội và trật tự trị an, đồng thời biến ông trở thành một nhân vật nổi tiếng trên Internet "bất đắc dĩ".
Phương pháp tu tập của ông đã gây tranh cãi trong giới tu hành Việt Nam, khi nhiều người tán thán đức tu buông bỏ vật chất của ông, song cũng có ý kiến cho rằng ông đang vô tình gây chia rẽ tôn giáo. Chính giới Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ thái độ không hài lòng về sự nổi danh của ông, lo ngại rằng các nhóm bất đồng chính kiến có thể lợi dụng điều đó để chống lại đường lối của chính phủ và đảng cầm quyền. Việc Thích Minh Tuệ ngừng bộ hành vào tháng 6 năm 2024 và ẩn tích làm dấy lên nghi vấn liệu ông có thực sự tự nguyện dừng bước, trong khi truyền thông nhà nước đã thẳng thừng bác bỏ mối nghi ngờ này.
Tính chính danh của ông cũng là đề tài được bàn tán rộng rãi. Giáo hội Phật giáo Việt Nam không chấp nhận gọi ông là "tu sĩ Phật giáo", tuy nhiên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công nhận điều này và khen ngợi ông hội đủ phẩm hạnh cho danh xưng đó. Đồng tình với việc gọi Thích Minh Tuệ là tu sĩ, dù chính ông không tự nhận mình như thế, các nhà quan sát nhận định việc đánh giá một cá nhân có phải là tu sĩ hay không không phụ thuộc vào sự đồng ý của bất kỳ tổ chức nào.
Xuất thân
Lê Anh Tú sinh năm 1981 tại xã Kỳ Văn (có nguồn ghi xã Kỳ Tân[1]), huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam.[2] Ông là con thứ hai trong một gia đình có bốn người con. Năm 1994, ông cùng gia đình chuyển đến xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sinh sống.[3] Theo lời cha ông Lê Xuân, lúc nhỏ Lê Anh Tú là người "hiền lành, hiếu thảo, học lực khá nên được mọi người quý mến."[1]
Tại Gia Lai, khi học hết phổ thông trung học, ông đi nghĩa vụ quân sự khoảng 3 năm.[3] Sau khi xuất ngũ, ông theo học Trường Trung cấp Lâm nghiệp Tây Nguyên.[3] Sau khi tốt nghiệp, ông làm địa chính viên cho một công ty tư nhân có trụ sở tại tỉnh Phú Yên, nhưng chủ yếu công tác ở tỉnh Đắk Lắk.[4] Ông đọc sách về Phật pháp trong thời gian này và thực hành ăn chay, tu tại gia.[1]
Quá trình tu tập
Năm 2015, Lê Anh Tú quyết định xuất gia,[5] lấy pháp hiệu là Thích Minh Tuệ và từng có thời gian ngắn tu tập tại một ngôi chùa.[6] Tháng 10 năm 2017, ông về nhà cha mẹ làm giấy tờ liên quan đến công việc cá nhân, rồi từ đó không còn liên lạc với gia đình.[7] Từ năm 2017 (có nguồn ghi năm 2018[8]) đến năm 2023, Thích Minh Tuệ đã ba lần đi bộ từ miền Nam ra miền Bắc Việt Nam và chiều ngược lại theo hình thức thực hành tu tập 13 hạnh đầu đà của Phật giáo Thượng tọa bộ. Những lần bộ hành này diễn ra thuận lợi trong thầm lặng. Thời gian đầu đôi lúc mệt, ông phải di chuyển bằng xe khách. Từ năm 2020 trở đi, ông bộ hành tuyệt đối, chỉ di chuyển bằng đường thủy khi phải đi đò qua sông.[9] Ông đã đi bộ qua gần như toàn bộ lãnh thổ Việt Nam, trừ một số tỉnh phía nam không nằm trên trục đường chính.[6]
Năm 2024 là lần thứ tư ông đi bộ, xuất phát từ tỉnh Khánh Hòa lên Cao Bằng – Hà Giang rồi quay ngược về.[10] Hành trình quay về đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân, có thời điểm lên tới hàng trăm người theo ông bộ hành.[3] Trong quá trình bộ hành, Thích Minh Tuệ chỉ ăn cơm chay một bữa vào sáng sớm nhờ bố thí và từ buổi trưa trở đi ông sẽ không nhận thức ăn, nước uống. Ông tắm rửa ở sông suối hoặc xin nhờ các trạm xăng trên đường bộ hành. Y phục của ông là những tấm vải nhặt được ở nghĩa địa hoặc dọc đường rồi chắp vá lại.[7] Ông cũng không sử dụng điện thoại trong lúc tu tập.[9]
Đầu tháng 6 năm 2024, khi đi ngang qua địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, Thích Minh Tuệ dừng bộ hành. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ thì ông "tự nguyện dừng việc đi bộ khất thực" sau khi trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam.[10] Tuy nhiên theo những người đi khất thực cùng ông thì rạng sáng ngày 3 tháng 6, đoàn gồm 72 khất sĩ bị lực lượng an ninh khống chế đưa tới các đồn công an để thẩm vấn và sau đó được trả tự do rải rác ở những tỉnh khác nhau.[11] Riêng Thích Minh Tuệ được lực lượng chức năng đưa đến nơi mà ông yêu cầu, theo báo Thanh Niên dẫn nguồn từ giới chức địa phương.[12] Còn theo báo Người Việt, ông bị "cưỡng bức" đưa lên xe hơi chở đi mà không rõ điểm đến.[13] Công an tỉnh Gia Lai đã tiến hành lấy dấu vân tay làm căn cước công dân cho ông.[14]
VnExpress thuật lời Thích Minh Tuệ cho biết ông chưa từng nhận là tu sĩ và bản thân cũng "cảm thấy chưa xứng đáng làm tu sĩ bởi đạo đức của mình chưa đạt đến cảnh giới đó."[6][15] Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì khẳng định ông không phải là tu sĩ Phật giáo, không tu tập và không là nhân sự của bất cứ ngôi chùa, cơ sở tu viện nào thuộc giáo hội này.[16][17] Ngược lại, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất công nhận ông "đúng là một tu sĩ Phật giáo" mà không cần phải theo giáo hội hay tổ chức nào.[18]
Ảnh hưởng
Hiện tượng mạng
Mang hình ảnh một người vô danh tự nhận đang "tập học" theo lời Phật dạy và đầu trần, chân đất đi bộ khắp đất nước, Thích Minh Tuệ đã trở thành một hiện tượng mạng tại Việt Nam,[19] đồng thời truyền cảm hứng cho đức tu khổ hạnh từ bỏ vật chất khiến hàng nghìn người từ khắp nơi đến tìm gặp ông.[20] Một số cá nhân tôn sùng ông như "Đức Phật tái thế" hoặc gợi nhớ đến hình ảnh Đức Phật ngày xưa.[21] Có người còn sử dụng hình ảnh của ông đăng lên các trang mạng xã hội với mục đích tăng tương tác để kinh doanh trực tuyến.[22] Thậm chí, trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội xuất hiện những mẫu quần áo và phụ kiện được thiết kế theo màu sắc trang phục của ông.[23] Việc sinh hoạt cá nhân của ông như ngủ, tắm, đi vệ sinh cũng bị làm phiền.[24] Hiện tượng mạng này được báo Dân Việt ví như "những bữa tiệc view", phản ánh vấn nạn tung hô quá đà của người sáng tạo nội dung trên nền tảng số.[25] Đã có trường hợp người tung tin và video về Thích Minh Tuệ trên Internet bị giới chức xử phạt hành chính.[20]
Tự do tôn giáo
Công an Việt Nam lo ngại giới bất đồng chính kiến tại nước này có thể lợi dụng "hiện tượng Thích Minh Tuệ" để "chống phá" chính sách tôn giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam trên mạng xã hội, lập luận rằng các tổ chức đối lập tìm cách gây "chia rẽ" và "mâu thuẫn" nhằm làm suy yếu "khối đại đoàn kết toàn dân tộc" và đi ngược lại các giá trị truyền thống.[22] Thông tấn xã Việt Nam thậm chí chỉ rõ hình ảnh bộ hành của Thích Minh Tuệ đang bị "các thế lực thù địch" lợi dụng nhằm "phỉ báng, công kích Giáo hội Phật giáo Việt Nam,"[26] vốn là một tổ chức do chính phủ quản lý thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiểm điểm Thượng tọa Thích Minh Đạo, trụ trì Tu viện Minh Đạo sau khi ông này đăng tải video khen ngợi Thích Minh Tuệ. Ban Trị sự sau đó kết luận rằng việc sư Thích Minh Đạo "nhận xét về ông Lê Anh Tú là quyền suy nghĩ của từng cá nhân," nhưng "sai ở chỗ dùng từ chưa đúng với chức năng – quyền hạn của mình dẫn đến sự ngộ nhận từ nhiều nơi."[27] Theo BBC News, việc sư Minh Đạo bị kỷ luật đã gây ra nhiều phản ứng trong dư luận, đặc biệt từ người dùng mạng xã hội.[27]
Việc chính quyền Việt Nam đề nghị Thích Minh Tuệ dừng bộ hành rồi ẩn tu cũng dẫn đến nhiều uẩn khúc và nghi vấn khi một bộ phận quần chúng cho rằng ông không hề tự nguyện làm việc này.[18][28] Ông Lê Quang Hiển, Phó Hội trưởng Thường trực Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần tuý, lo ngại Thích Minh Tuệ có kết cục giống Huỳnh Phú Sổ và Minh Đăng Quang, là hai lãnh tụ tôn giáo ở Việt Nam bị ám hại và mất tích. Tuy nhiên, Hòa thượng Thích Không Tánh, Phó Viện trưởng Hội đồng Điều hành Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phủ định điều này dù suy đoán sẽ "có sự quản thúc, quản chế hay cô lập" và thao túng vị tu sĩ. Dân biểu Tạ Đức Trí thuộc Hạ viện Tiểu bang California, Hoa Kỳ đã gửi thư đến Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của nước này (USCIRF) bày tỏ lo ngại về cách chính quyền Việt Nam có thể đối xử với Thích Minh Tuệ.[28] Báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, bác bỏ cáo buộc có sự đàn áp tôn giáo, gọi đó là thông tin sai sự thật và bịa đặt do những "đối tượng chống phá, phản động" lan truyền.[21]
An ninh, trật tự xã hội
Lực lượng công an địa phương được yêu cầu phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự khi Thích Minh Tuệ và đoàn người đi theo bộ hành qua địa bàn các tỉnh.[29][30] Ngày 30 tháng 5 năm 2024, một người đàn ông trong lúc bộ hành theo Thích Minh Tuệ đã tử vong do sốc nhiệt, suy đa tạng, tiêu cơ vân. Người này bị ngất xỉu trong lúc cùng ông di chuyển qua địa bàn huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, sau đó được người dân đưa vào cấp cứu tại bệnh viện địa phương nhưng không qua khỏi.[31] Ngày 2 tháng 6, có thêm hai phụ nữ đi theo đoàn bị sốc nhiệt, đuối sức, được đưa đi cấp cứu. Theo đại diện chính quyền huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, đám đông đi theo Thích Minh Tuệ gây ách tắc giao thông, không nhường đường cho xe cấp cứu, xả rác, phóng uế bừa bãi gây mất vệ sinh.[32] Bên cạnh đó, một số người khi đi theo đoàn bộ hành cùng Thích Minh Tuệ qua các tỉnh miền Trung đã phân phát các tài liệu về "đạo Nhân Quả", bị cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh cho là trái phép và tiến hành tịch thu, lập biên bản xử lý.[33]
Đánh giá
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm nhận xét việc khất thực của các nhà sư Phật giáo từ xưa đến nay không phải việc lạ nên ông cũng xem chuyện bộ hành của Thích Minh Tuệ là điều bình thường.[34] Theo Thượng tọa Thích Thanh Huân, "hiện tượng Thích Minh Tuệ" không đáng rầm rộ.[35] Báo Công Thương nhận định tuy không tu tại ngôi chùa nào và chỉ chọn lối đi riêng cho quá trình tu tập của mình, nhưng Thích Minh Tuệ lại "nổi tiếng một cách bất đắc dĩ".[36] Không đề cập nhiều đến cách tu tập của Thích Minh Tuệ, báo Công an nhân dân tập trung phê phán mức độ quan tâm của công chúng dành cho ông, gọi đó là "kiếp nạn sinh ra từ 'ngáo' mạng xã hội."[37]
Việc bộ hành khổ tu của ông cũng gây ra nhiều luồng quan điểm về tính chính thống trong phương pháp tu học. Báo Tiền Phong nhận xét Thích Minh Tuệ tu theo đường lối nguyên thủy nhưng lại không thuộc về giáo hội hay ngôi chùa nào, và đánh giá "con đường ông đã và đang chọn thuộc loại gian khổ nhất."[38] Thượng tọa Thích Minh Đạo gọi ông là hiện diện của Ma-ha-ca-diếp, một đệ tử của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni trọn đời tu theo hạnh đầu đà, song cũng có người trong giới tu hành so sánh ông với một đệ tử khác đã phản bội Đức Phật là Đề-bà-đạt-đa bởi hệ quả từ sự nổi tiếng của ông trên Internet là tương đồng với tội phá hoại sự đoàn kết mà Đề-bà-đạt-đa phạm phải. Tu sĩ Thích Đồng Đạo bác bỏ việc gọi Thích Minh Tuệ là "sư", với lý do cách tu của ông là "tình trạng biến đổi tư duy đi tìm cầu một cái độc lạ không giống pháp nào trong giáo lý."[38]
Trước việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản không công nhận Thích Minh Tuệ là tu sĩ Phật giáo, Tiến sĩ Hoàng Văn Chung, Trưởng Phòng Nghiên cứu Lý luận và Chính sách Tôn giáo thuộc Viện Nghiên cứu Tôn giáo nêu quan điểm: "Miễn là người ta tin và tu hành theo Phật giáo thì người ta có quyền của người ta, không nhất thiết có chứng nhận của Giáo hội Phật giáo thì ông ấy mới là tu sĩ Phật giáo. Phật giáo không phải của riêng ai."[39] Còn theo tu sĩ Thích Đồng Long thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một tổ chức Phật giáo không nằm dưới sự quản lý của chính quyền Việt Nam, quan niệm không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì không phải tu là "sai lầm", cho thấy sự thiếu tự do tôn giáo tại quốc gia này.[8] Ngày 4 tháng 6 năm 2024, sau khi có tin Thích Minh Tuệ bị cưỡng ép dừng bộ hành và đưa đi biệt tích, Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra thông cáo nhìn nhận ông đã giữ đúng phẩm hạnh của một vị tu sĩ Phật giáo và kêu gọi chính quyền Việt Nam cho phép ông tự do tu hành.[18][28]
No comments:
Post a Comment