Monday, February 17, 2025

Bóng ma và nhà sư: thao túng, dối trá và kiểm soát

Anh ấy là một cái bóng. Bóng ma bên một người tu hành chân chánh. Anh ấy là một loại người [mượn cách nói của một bộ phim James Bond là] 'the spy who couldn't leave' (kẻ gián điệp không muốn rời xa nhà sư). Chúng ta thử phân tách những hành vi của anh ấy để rút ra vài bài học.
Những hành vi
Anh ta tình nguyện tháp tùng một khất sĩ tự do rất nổi tiếng. Vị này không nhận mình là một nhà sư, nhưng tôi xem ông như là một nhà sư.
Anh ta thề thốt làm 'hộ pháp' cho nhà sư, nhưng nhà sư không chấp nhận cái vai trò đó. Anh ta tự xem mình là 'trưởng đoàn', nhưng cũng chẳng ai công nhận.
Mặc kệ sự thật là chẳng ai chấp nhận và công nhận, anh vẫn lẽo đẽo bên cạnh nhà sư.
Không chỉ lẽo đẽo, anh còn cố gắng gieo vào nhà sư những ý tưởng phi thực.
Anh tỏ ra là một kẻ ngạo mạn và coi thường người khác. Anh ta nói là có bằng tiến sĩ tâm lí, nhưng trình độ lí luận và kiến thức của anh chỉ ở mức trung học. Cách nói của anh ta rất thô thiển.
Nghĩ là tiến sĩ, anh ta thường xuyên đặt câu hỏi về kiến thức Phật giáo cho vị tu sĩ mà anh đi theo muốn làm 'hộ pháp'. Sau đó, anh ta lên YouTube chê kiến thức của chính vị tu sĩ mà anh ta từng gọi là 'thầy'.
Anh ta quen thói phóng đại. Anh thường xuyên thổi phồng các nguy cơ nhằm khiến nhà sư phải phụ thuộc vào sự hướng dẫn của mình. Anh tuyên bố rằng một số nhà sư và Phật tử sẽ bị bắt vì vấn đề visa. Nhưng nhà sư bình thản ... mỉm cười.
Anh ta thích lan truyền những suy đoán mang tính âm mưu thuyết. Anh ta liên tục nói rằng nhà sư sẽ bị Đại sứ quán Mĩ bắt cóc và ép buộc đi tị nạn ở Mĩ. Anh ta thậm chí vu khống có ‘phản động’ trong đoàn bộ hành.
Anh ta tung tin thất thiệt và đe dọa những người không đồng ý với mình. Anh ta dọa rằng một số người sẽ bị bắt khi quay về Việt Nam. Anh ta thậm chí tuyên bố rằng anh ta có thể tiêu diệt một cá nhân anh không ưa như là thổi một bong bóng nước.
Anh ta tỏ ra là một kẻ ăn hiếp người -- hiểu theo nghĩa 'bully'. Anh ta có hành vi 'bề trên', thậm chí bạo lực, với các nhà sư trẻ. Anh ta từng bắt một nhà sư trẻ lên xe bán tải và ép đưa về Việt Nam.
Anh ta là kẻ thất hứa. Anh hứa sẽ xin visa cho một số nhà sư nhưng không bao giờ thực hiện. Khi không thuyết phục được các nhà sư, anh ta tuyên bố sẽ rời nhóm vĩnh viễn, nhưng thực tế anh ta không rời đi. Thay vào đó, anh ta sử dụng các YouTuber khác để theo dõi và giám sát các nhà sư.
Những hành vi trên nói lên điều gì? Nó giúp cho chúng ta rút ra bài học gì?
Để trả lời, chúng ta thử giở vài chương sách tâm lí học xem sao. Những hành vi đó có vẻ nhứt quán với những chứng sau đây được mô tả trong sách tâm lí:
Thao túng và dối trá
Anh ta phóng đại rủi ro (ví dụ: nói rằng các nhà sư có thể bị bắt giữ) và gieo rắc tìn đồn nhằm đe doạ, để khiến người khác phụ thuộc vào mình. Đó là thao túng tâm lí (manipulative). Anh ta nói dối (ví dụ: hứa xin visa nhưng không thực hiện). Anh ta từng tuyên bố “Khi thầy còn thì tôi còn, thầy mất thì tôi mất. Tôi chỉ có một đường là không thành công thì chết thôi”. Nhưng khi nhà sư chỉ ra sai trái của anh ta, thì anh mở chiến dịch bôi nhọ nhà sư. Đó là phản trắc và dối trả / deception. Hai tánh này, thao túng và dối trá, là bài học căn bản của những kẻ theo chủ nghĩa Machiavellian.
Hoang tưởng và tự cao
Anh ta tin vào những thuyết âm mưu phi lí (như Đại sứ quán Mĩ sẽ bắt cóc nhà sư). Điều này có thể bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng vào các tổ chức bên ngoài (có thể do ảnh hưởng từ quá khứ làm an ninh) hoặc một vấn đề tâm lí sâu xa hơn. Anh ta tự nhận mình có quyền lực bắt giữ người khác dù không có thực quyền. Đó là triệu chứng của một kẻ hoang tưởng (paranoia), lúc nào cũng nghi ngờ và thấy bị đe doạ.
Độc đoán và ăn hiếp (bully)
Anh ta cố gắng kiểm soát mọi người, đặc biệt là các nhà sư trẻ tuổi và youtuber. Anh ta giữ sổ thông hành của các sư dưới danh nghĩa làm thủ tục xin visa, nhưng trong thực tế chẳng xin visa, vì mục tiêu là kiểm soát và buộc các sư phải lệ thuộc anh ta.
Anh ta sử dụng vũ lực (bắt một nhà sư cởi y phấn tảo) và dùng thủ đoạn đe dọa (cảnh báo người khác rằng họ sẽ bị bắt khi về nước). Đây là cá tánh của người độc đoán và ăn hiếp, đó là những người tin vào quyền lực và hệ thống phân cấp, thường đi kèm với hành vi đàn áp. Đó là lưu manh.
Ái kỉ
Anh ta liên tục đặt câu hỏi về kiến thức Phật học của nhà sư, cho thấy ông ta coi mình là người giỏi hơn. Anh ta công khai chê bai nhà sư trên YouTube. Việc tự bổ nhiệm làm lãnh đạo và từ chối chấp nhận sự bất đồng cho thấy các xu hướng ái kỉ. Ái kỉ là một rối loạn nhân cách.
Đó là những đặc tính. Câu hỏi đặt ra là những đặc tính trên nhứt quán với bệnh lí nào? Câu trả lời xin dành cho các chuyên gia tâm thần và tâm lí học. Nhưng tôi nghĩ tới những tâm bệnh sau đây:
* Rối loạn nhân cách ái kỉ (Narcissistic Personality Disorder hay NPD): tự cao, kiêu ngạo, thao túng, thiếu xúc cảm.
* Rối loạn nhân cách phản xã hội (Antisocial Personality Disorder - ASPD): dối trá, thờ ơ với quyền lợi của người khác, hung hăng, không hối hận.
* Rối loạn nhân cách hoang tưởng (Paranoid Personality Disorder - PPD): không tin ai, và lúc nào cũng nghĩ rằng người khác muốn hãm hại mình.
Tất cả những 'tâm bệnh' trên đây có thể vừa do ảnh hưởng của quá khứ, vừa do bản chất tâm lí của cá nhân.
Cái tánh cách độc đoán có thể là sản phẩm của một cỗ máy có mục tiêu nhào nặn nên những con người thích kiểm soát người khác bằng sự sợ hãi và thông tin sai lệch, và bằng áp đặt quyền lực thông qua đe dọa và bạo lực.
Anh ta như là một bóng ma bên cửa thiền. Cách tốt nhứt để đối phó cái bóng ma đó là giữ khoảng cách, chỉ ra những sai trái, và không để cái bóng đó chi phối. Vị khất sĩ đã làm rất tốt điều này. Ông là một nhà sư chân chánh vậy.

No comments:

Post a Comment