Monday, September 2, 2024

THƯỢNG TOẠ THÍCH QUẢNG LONG - VỊ BỒ TÁT GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Trong văn học Phật giáo khi đề cập thuật ngữ “hoa ưu đàm”, chúng ta liên tưởng đến ý nghĩa của một loài hoa biểu trưng cho sự thánh thiện. Mấy vạn năm loài hoa này mới hiển hiện trên cuộc đời, có thể nói rằng khi có bậc Thánh xuất hiện thì dòng sông sẽ trong hơn và cây cối xanh tươi hơn. Điều này là một sự kiện đánh dấu khi Sidhatha (Tất Đạt Đa) giáng trần tại Lumbini (Lâm Tỳ Ni) trên 25 thế kỷ trước.

Không phải ngẫu nhiên Thái tử Tất Đạt Đa giáng trần trong hoàng cung Ca Tỳ La Vệ mà chúng ta phải nhìn dưới lăng kính tinh thần Phật giáo Đại thừa thì Đức Phật Thích Ca đã thành Phật trong quá khứ trải qua hằng hà sa số kiếp rồi.

Trong Kinh Pháp Hoa phẩm Như Lai Thọ Lượng ta hãy nghe Đức Phật thuyết: “Này Thiện nam tử! Thiệt Ta thành Phật nhẫn lại đây, đã vô lượng vô biên trăm nghìn muôn ức na-do-tha A-tăng-kỳ cõi Tam thiên Đại thiên, giả sử có người nghiền làm vi trần qua phương đông, cách năm trăm nghìn muôn ức na-do-tha A-tăng-kỳ cõi nước, bèn rơi một bụi trần, đi qua phía đông như thế cho đến hết vi trần đó. Các thế giới đó vô lượng vô biên, chẳng phải tính được, đếm được, cũng chẳng phải tâm lực biết đến được. Dùng trí tuệ Vô lậu của hàng Thanh văn, Duyên giác và Bồ tát cũng không thể biết được hạng số đó.”

Qua đoạn kinh văn trên, chúng ta cần nhìn Đức Phật qua ba Thân: Pháp Thân, Báo Thân và Ứng Hóa Thân. Nhận thức sâu sắc như thế thì Đức Phật Đản sanh tại Lâm Tỳ Ni – đó là Ngài thị hiện trong thân Ứng Hóa và Ngài thành Đạo dưới Cội Bồ Đề thành Già Da, Chuyển Pháp Luân ở Lộc Uyển và Nhập Niết Bàn nơi thành Câu Thi Na.

Ứng Hóa Thân Phật nhằm tùy thuận chúng sanh, nên chúng ta thấy có Đức Phật lịch sử và Ngài thị hiện các tướng để chúng sanh nương nơi tướng ấy phát tâm tu tập. Tuy nhiên chúng ta thường hay dựa vào các pháp tướng và thường hay giải đãi quên mất bổn tâm. Ta hãy nghe một đoạn kinh văn khác: “Ta xưa tu hành đạo Bồ tát, cảm thành thọ mạng nay vẫn chưa hết, lại còn hơn số trên, nhưng nay chẳng phải thiệt diệt độ, mà bèn xướng nói sẽ diệt độ. Đức Như Lai dùng phương tiện đó giáo hóa chúng sanh.”

Những ý nghĩa trên, nếu chúng ta nhìn bằng cái nhìn thiền quán sẽ cảm nhận hoa Ưu Đàm đến ngày nay vẫn còn chứ chưa hề mất. Trên bình diện hình thức thì hoa Ưu Đàm không còn nữa nhưng ý nghĩa sâu xa của nó thì đó là loại hoa Bất diệt như những gì Đức Phật chỉ dạy “Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn hương, Ngào ngạt bốn phương ngàn nhạc trổi

Nếu Đức Thế Tôn không khéo léo dùng phương tiện ấy hóa độ chúng sanh thì chúng sanh vẫn mãi vui đùa cùng thú vui ngũ dục, đam mê các dục lạc và giải đãi trong việc thăng hoa đời sống thánh thiện của mình. Đức Phật dạy nếu Ngài trụ thế lâu nơi đời thì chúng ta sẽ không chịu tu vì do phước mỏng nghiệp dày, không trồng cội lành, nghèo cùng hèn hạ, ham ưa năm món dục, sa vào trong lưới nhớ tưởng vọng kiến. Nếu thấy Đức Như Lai thường còn chẳng mất, bèn sanh lòng buông lung nhàm trễ. Đức Phật là một bậc Thầy tâm lý vĩ đại mà chưa có bậc Thầy vĩ đại nào sánh bằng. Nên Ngài phương tiện nói rằng: “Các Đức Phật ra đời khó có thể gặp gỡ.”

Nhìn bằng cặp mắt của kẻ vô văn phàm phu thì quả thật không thấu hiểu được hết ý nghĩa của các bậc Chân Nhân và bậc Thánh. Và vì vậy để hiểu rõ thông điệp Đức Phật đã dạy cho tất cả chúng sanh, chúng ta cần phải thực hành tam vô lậu học và từ đó có cái nhìn bằng tuệ giác. Chính ánh sáng giác ngộ ấy chỉ cho chúng ta một con đường tâm linh hướng thượng mà Đức Phật đã khai mở. Muốn trải nghiệm con đường giác ngộ ấy hành giả cần phải thể nghiệm trong công phu tu tập và tư duy thực tập ba bước Giới Định Tuệ. Từ bước đầu tam học Văn Tư Tu một cách nhuần nhuyễn chắc chắn hành giả tiến đến con đường giải thoát bằng tuệ giác với hành trang tam vô lậu học Giới Định Tuệ được căn cứ trên nguyên lý Nhân Quả là một điều khả thi cho tất cả mọi người.

Tóm lại, trong tất cả chúng sanh, ai cũng sẽ có thành quả giải thoát giác ngộ là một điều chắc chắn là một lẽ thật mà chúng ta đều được thừa hưởng. Bởi vì nguyên lý giác ngộ bình đẳng đối với mọi chúng sanh nhưng con đường đi tới Bảo Sở ấy rất tùy thuộc vào sự hạ thủ công phu của mỗi hành giả. Bởi vì chúng ta mỗi người mang trong mình một đóa hoa bất diệt. Chính đóa hoa ấy đã nở ra tại vườn Lâm Tỳ Ni trên 2,500 năm trước mở ra một kỷ nguyên sáng lạng huy hoàng mà chúng ta đầy đủ duyên lành gặp được. Đóa hoa ưu đàm đã nở đón chào Đức Thế Tôn và Ngài đã thành tựu, còn đóa hoa ưu đàm sẽ nở trong tất cả chúng sanh trong tương lai và từng bước chúng ta trở về thể nghiệm với đóa hoa bất diệt ngay trong tâm của chính mình vậy.

Tỳ kheo: Thích Quảng Long

From: Dinh Hoang <dinhhoang194@yahoo.com>
Date: Sun, Sep 1, 2024 at 9:08 PM

THƯỢNG TOẠ THÍCH QUẢNG LONG - VỊ BỒ TÁT GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Mùa hè năm ấy có lẽ là một mùa hè nóng bức oi ả nhất của thập niên tám mươi tại miền Bắc. Trại giam Ba Sao, Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh như nằm yên dưới sức nóng như thiêu đốt, ngay cả về đêm cái nóng như vẫn còn âm ỉ, mọi thứ như tỏa ra hơi nóng – những bức tường, những sàn lót gạch hung hung đỏ, cái sân tráng xi măng trước mặt, ngay cả cái ván lót trên sàn nằm cũng toát ra hơi nóng. Những người tù nhân chính trị chế độ cũ như trong một lò ngục tối trên trần gian, ban ngày thì lao động khổ sai đổ mồ hôi không phải đổi lấy bát cơm mà đổi lấy ít thức ăn độn như khoai hay sắn hay bo bo mà vẫn không đủ no, ban đêm thì cố giỗ giấc ngủ trong cái nóng như nung như đốt ấy trong cái cả nh nằm xếp hai từng như cá đóng hộp trong buồng giam. Mồ hôi lại đổ ra cho đến khi mệt lả người đi thì giấc ngủ chập chờn mới đến.

Cái nóng kinh người đã kéo dài cả tháng nay và đồng ruộng đã nứt nẻ, các em bé chăn trâu mà Trung và các bạn gặp trên đường đi lao động cũng môi khô và chui vào các bụi cây trú nắng. Các giếng nước cũng từ từ khô cạn đưa đến nạn thiếu nước trầm trọng cho cả dân chúng những làng bên ngoài lẫn những người tù khốn khổ trong trại.

Buổi trưa hôm đó cũng như mọi ngày sau khi lao động về, ăn xong phần ăn trưa ít ỏi, các người tù cố nằm giỗ giấc ngủ ngắn để lấy sức lao động buổi chiều thì thấy một vị sư già đang ngồi ngoài sân nắng trong thế kiết già cả nửa tiếng đồng hồ và mặt ngước nhìn thẳng lên trời. Những khi hạn hán thì thầy vẫn cầu nguyện như thế và sau đó chiều tối hay trước nửa đêm thể nào mưa giông cũng kéo đến. 
Đêm nay cũng thế, Trung cố giỗ giấc ngủ để mà mai còn sức trả cái nợ lao động nhưng không làm sao nhắm mắt được, mồ hôi trên người cứ nhỏ từng giọt như làm cho sức khỏe của anh cạn dần đi theo đêm. Anh nhớ tới thằng bạn thân nằm bên cạnh nói với anh hồi chiều rằng chỉ ước ao ông Trời cho một trận mưa chứ đã tù cả chục năm rồi cũng chẳng mơ ước xa xôi gì ngày trở về nữa.

Thế rồi, như một phép lạ những làn gió mát từ đâu từ từ thổi đến, len lỏi vào những khung cửa sổ, luồng dưới những cánh cửa buồng giam và từ xa xa vài lằn chớp nhoáng lên bên trời. Chẳng bao lâu sau thì những giọt mưa, ôi những giọt mưa cam lồ của Trời ban xuống như thêm sức mạnh cho những người tù biệt xứ lưu đày. Các buồng giam không ai bảo ai đều thức dậy và tung mùng ra để được hít thở những giây phút mát rượi của làn gió lùa vào trại giam

Vô tình Trung nhìn xuống nơi vị sư già giam cùng buồng với anh, thầy vẫn như còn đang ngồi thiền trong mùng, mặt quay vào tường trong thế kiết già. Trung chợt hiểu và các bạn anh cũng hiểu rằng chính nhờ thầy cầu nguyện mà đã có trận mưa đêm nay. 

Vị sư già đó chính là Trung Tá Quyền Giám Đốc Nha Tuyên Úy Phật Giáo của QLVNCH – Thượng Tọa Thích Quảng Long, một người tù xuất chúng đã làm cho kẻ thù phải cúi đầu kính nể
Giang sơn của thầy cũng là một tấm chiếu, hai bộ quần áo tù, và một cái chăn đỏ Trung Quốc như mọi người và nằm một dãy với các Đại Đức Tuyên Úy khác.

Anh nhớ đến thầy Khuê, một vị Tuyên Úy Phật Giáo và Tam Đẳng Huyền Đai Nhu Đạo võ đường Quang Trung, một vị Đại Đức mà anh rất mến thương và kính trọng, đã từng nói với anh rằng nếu nói về đạo Phật, về sự tu hành thì hãy lấy thầy Long mà làm gương; đừng vì một vài vị Tuyên Úy đã không nghiêm giữ được giới răn mà hiểu lầm về đạo Phật mà mất đi niềm tin.

Anh nhớ lại câu chuyện lúc mới bước chân vào trại giam Long Thành sau khi Sài Gòn sụp đổ và hầu như mọi người đều không biết bấu víu vào đâu, niềm tin vào các tôn giáo cũng bị lung lay thì một sự việc đã xảy ra làm mọi người đều kính trọng thầy, nhất là khi biết hai tòa đại sứ bạn đã đến đón thầy đi di tản trước đó nhưng thầy đã khẳng khái chối từ và thanh thản bước chân vào trại giam.

Trong thời gian mới bị giam giữ, một hôm thầy được gọi ra làm việc để gặp hai vị sư quốc doanh là Thượng Tọa Thích Minh... và Thích Thiện... Hai vị này ra sức thuyết phục và chiêu dụ thầy để thầy ủng hộ phong trào “Phật giáo yêu nước”, và nói sẽ bảo lãnh cho thầy ra khỏi tù ngay để nhờ thầy góp công góp sức xây dựng phong trào Phật Giáo Yêu Nước này. Hai vị sư này chính là người mà Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia đã bắt giam trước năm 1975 vì hoạt động cho Cộng Sản. Thích Minh ... đã bị đày ra Côn Đảo, còn Thích Thiện ... thì thường được gọi là Ôn TĐ. Sau đó chính Thượng Tọa Thích Quảng Long là người đã đứng ra bảo lãnh cho họ ra khỏi tù để ăn năn hối cải mà trở về lại con đường tu hành vì họ đã bị lộ hình tích. Không ngờ ông trời trớ trêu để có ngày họ lại đến trại Long Thành và đối đầu với thầy trong hoàn cảnh đặc biệt này của đất nước.

Thầy nhìn hai vị sư quốc doanh kia và từ tốn chậm rãi nhưng thật cương quyết thầy nói:

“Các ông đã dựng nên cái phong trào “Phật Giáo yêu nước” ấy thì các ông cứ tiếp tục công việc mà các ông đã làm, còn tôi là một Tuyên Úy trong quân đội và tôi sẽ theo chân các Phật tử trong các trại giam, họ đi đến đâu thì tôi cũng sẽ đi đến đấy với họ cho tới cùng. Thôi các ông về đi”.

Và sau đó thầy chấp nhận việc chuyển trại ra Bắc mở đầu cho một quãng đời biệt xứ lưu đày.

Những ai có may mắn gặp thầy trong trại giam thầy đều kính trọng vị sư già này, người mà lúc nào cũng như mỉm cười, hòa nhã, giản dị, khiêm tốn và giúp đỡ tất cả mọi tù nhân mỗi khi thầy có phương tiện.

Năm 1976, thầy cùng một số Tuyên Úy chuyển trại từ Nam ra Bắc và bị giam giữ tại trại 1 Sơn La hay còn gọi là trại Mường Thái là nơi mà trước kia Pháp đã từng giam giữ những tù nhân bị án lưu đày. Năm sau thì thầy có tên trong số những tù nhân di chuyển về trại Yên Hạ, trại giam này nằm dưới thung lũng và bao vây chung quanh bởi những dãy núi đá vôi, thuộc huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La. Trại Yên Hạ là nơi chuyên giam giữ những tử tội hình sự cướp của giết người mà đã được nhà nước “khoan hồng” tha cho tội chết.

Chỉ hơn một năm sau thì các tù nhân này dần dần kiệt sức vì lao động khổ sai, thiếu dinh dưỡng, thiếu ăn nhất là thiếu chất mỡ và đường, và vì khí độc từ dãy núi đá vôi phả vào từ chung quanh. Bởi thế chỉ sau một thời gian ngắn chuyển trại từ trong Nam ra ngoài Bắc, ai nấy đều gầy như bộ xương còn biết đi. Khi đi lao động hay đi trở về trại, người ta chỉ thấy những bộ quần áo tù phấp phới bay mà chẳng thấy da thịt đâu. Thế rồi sau bốn năm trời giam cầm và lưu đày, một số những người tù lần đầu tiên được nhận một gói nhỏ tiếp tế cực kỳ quí giá từ gia đình trong Nam gửi ra, một số khác thì vẫn chưa nối lại được sợi dây với gia đình trong Nam.

Trong gói nhỏ mà các Phật tử gởi cho thầy Long có 15 cục đường móng trâu, lúc đó ai mà có được 5 cục đường như thế thì đã là thần tiên rồi, nhưng thầy từ từ đem ra phân phát hết 15 cục đường quí giá đó cho những người cùng buồng.
Ưu tiên những tù nhân nào mà đã kiệt lực thì được một cục, những người đau ốm khác thì mỗi người được nửa cục mà thôi, còn riêng thầy thì không có một miếng đường nào hết

Những người tù này khi nhận được cục đường từ tay thầy phân phát đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng vị tha, quảng đại vô biên của một vị sư mà tâm đã định và huệ đã ngời sáng.

Thầy cũng không thoát được những vụ hỏi cung, một hình thức tra tấn tinh thần những người tù khốn khó này trong trại giam. Một tên cán bộ từ Hà Nội vào với mái tóc hoa râm có vẻ là một viên chức cao cấp thuộc Bộ Nội Vụ đã hỏi cung thầy trong ba ngày liên tiếp. Hắn vứt cho thầy tờ giấy để tối về khai báo những tội lỗi đã chống đảng, nhà nước và nhân dân trước kia khi hoạt động ở Sài Gòn cho Nha Tuyên Úy Phật Giáo của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Sáng hôm sau, khi kêu ra làm việc tiếp tục, thầy đã nộp bản khai báo cho hắn, vừa xem xong thì hắn đùng đùng nổi giận ném tờ khai xuống bàn và quát tháo:

Anh khai báo thế này hả? Tại sao anh lại chép Chú Đại Bi vào đây? anh muốn tù rục xương ra không?”.

Vẫn thái độ bình tĩnh và từ tốn của một vị cao tăng thầy chậm rãi trả lời:
“Thì đây chính là những gì mà tôi đã làm và đã tụng niệm khi xưa, có thế thôi!”.

Hắn với vẻ mặt hầm hầm liệng cho thầy một tờ giấy khác để khai báo lại một cách thành khẩn để được sớm khoan hồng. Sáng ngày hôm sau, thầy nộp cho hắn một tờ thứ hai và trên tờ đó thầy chép lại thật nắn nót bài Kinh Bát Nhã. Đến đây thì hắn nổi điên lên và mạt sát thầy thậm tệ và đe dọa rằng thầy sẽ tù mọt gông và đừng mong sẽ được hưởng lượng khoan hồng. Thầy ung dung trả lời rằng:

Các ông cứ việc giam giữ tôi bao lâu cũng được, tôi chỉ xin các ông hãy thả hết những người tù chính trị chế độ cũ mà các ông đang giam giữ mà thôi”.

Từ đó đến sau, chúng ít khi kêu thầy ra hỏi cung nữa cho đến mãi năm 87, trước khi có một đợt thả lớn tại trại Ba Sao Nam Hà thì trong các vị Tuyên Úy bị hỏi cung có tên thầy. Nhưng đặc biệt lần này chúng gọi thầy bằng thầy chứ không gọi là anh như trước nữa, tuy nhiên chúng vẫn dụ dỗ thầy nhận tội để được khoan hồng. Thầy trả lời rằng các ông cứ thả hết các ông đại đức tuyên úy ra đi vì họ chẳng có tội lỗi gì hết tất cả đều do tôi và họ đều làm theo chỉ thị của tôi hết, muốn gì thì cứ giữ tôi ở lại đến bao lâu cũng được. Chúng đành chào thua và chỉ vài tháng sau thì thầy có tên trong danh sách được thả ra khỏi trại cùng với tất cả các đại đức và những vị mục sư linh mục khác trong các Nha Tuyên Úy quân đội.

Thầy ở tù mười hai năm, một năm trong Nam và mười một năm lưu đày trong những trại giam được dựng lên nơi rừng thiêng núi độc miền Bắc.

Về miền Nam, thầy trở lại chùa Giác Ngạn trên đường Trương Minh Ký cũ ở Sài Gòn để lại lo Phật sự, cúng kiến giúp đỡ các gia đình Phật tử. Khi đi đâu tụng kinh thầy vẫn đơn sơ trong chiếc áo nâu sòng và phe phẩy chiếc quạt đã sờn rách và môi luôn nở nụ cười hiền hậu giống như một ông già nhà quê chất phát hiền lành.

Chùa Vĩnh Nghiêm có vời thầy ra nhưng thầy vẫn ở lại Giác Ngạn – ngôi chùa mà thầy góp công xây dựng lên và trụ trì cho tới khi mất nước – cho tới khi thầy viên tịch vài năm sau đó.

Vũ Ánh Oakland, CA

No comments:

Post a Comment