Friday, June 28, 2024

 ĐỨC PHẬT TRÊN VÁCH ĐÁ Võ Kỳ Điền

 

Tôi xin kể lại cho các bạn nghe một câu chuyện tưởng đơn giản nhưng hơi lạ kỳ. Số là lúc mới lớn có lần tôi tình cờ đọc được một bài viết khá đặc biệt của học giả Nguyễn Hiến Lê, Ông đã thuật lại một đoạn hồi ký ngắn do chính Thiền Sư Huyền Trang viết lại trong quyển Đại Đường Tây Vực Ký khi đi qua xứ Tây Trúc (Ấn Độ) để thỉnh kinh Phật vào thế kỷ thứ VII đời Đường, cuộc hành trình trải dài dọc theo Con Đường Tơ Lụa. Đại khái tôi còn nhớ được như vầy:

“Sư Huyền Trang tháp tùng theo một đoàn người Hồi đa số thuộc vùng Trung Á gồm các thương buôn tứ xứ với ngựa, lạc đà, mải miết hướng về phương trời Tây vượt bao sa mạc nóng cháy mênh mông, từ nơi nầy qua nơi kia, từ ngày nầy qua tháng khác, trên những nẻo đường thiên lý vạn dặm. Trên là trời nắng gắt chói lòa, dưới là cát nóng như thiêu như đốt. Toàn cảnh chỉ có cát đá với đoàn người ngựa, lạc đà trên lưng chất đầy những kiện hàng hóa nặng nề. Những bước chân chậm chạp lầm lũi đi qua những đụn cát nhấp nhô, những vách đá cheo leo cao thấp, đây đó cây cỏ xác xơ khô cằn, những vực thẳm sâu hun hút nhìn không thấy đáy... Đoàn người lầm lũi cứ mãi miết đi như vậy cho đến một buổi cả người và ngựa dừng chưn lại bên một vách đá chớn chở, bên trong có một hang động rộng rãi...
Người dẫn đường dọn dẹp sắp xếp cho đoàn người một khoảng trống thoáng đãng hầu tạm nghỉ ngơi để lấy lại sức, mai kia sẽ nối tiếp cuộc hành trình. Trước khi ra ngoài, ông ta có nói với Sư Huyền Trang ... -động đá nầy rất linh thiêng, tôi có nghe thiên hạ đồn rằng người nào thành tâm hướng về phương Tây cầu nguyện chân thành, hành lễ đúng một ngàn lạy thì Đức Phật sẽ hiển hiện ra trên vách đá cho mình được chiêm bái. Nói xong ông cùng với đám người xung quanh đi ra ngoài nấu nướng, tắm rửa, chuyện trò...
Nghe lời nói đúng như một ước nguyện, Sư rất đổi vui mừng, bèn chỉnh đốn lại xiêm y, sụp xuống quỳ lạy thánh tích theo như lời nói của người dẫn đường. Một ngàn lạy, đâu phải ai cũng có thể thực hiện được. Với một đức tin tuyệt đối, không gì lay chuyển, không một chút hoài nghi, Sư đứng lên quỳ xuống tiếp nối, ngũ thể đầu địa mà lạy đúng số một ngàn. Bao nhiêu lần Sư đuối sức, sắp gục ngã. Và đã bao nhiêu lần kiên trì đứng lên lạy tiếp. Cuối cùng rồi Sư đã lạy đúng được một ngàn lần. May mà thuở đó sức Sư còn khoẻ mạnh Đến đúng lần thứ một ngàn, điều kỳ diệu cũng đã xảy ra y như lời người hướng dẫn nói. Đức Phật uy nghi tọa ngự trên tòa sen tỏa sáng, hào quang rực rỡ chói loà, sáng bừng cả động đá hoang vắng với các vị Bồ Tát vây quanh. Sư Huyền Trang sung sướng, rúng động toàn thân, quỳ mọp xuống đảnh lế Phật Tổ trong niềm hạnh phúc vô biên chất ngất ...

Lễ xong rồi, Sư Huyền Trang vội đi ra ngoài, nôn nả báo tin cho mọi người biết niềm vui Phật Hiện và mong người người cùng vô động đá chiêm ngưỡng cảnh quan kỳ thú và chia sẻ niềm hạnh phúc với mình. Nghe báo, đám đông cùng xúm nhau ba chân bốn cẳng tranh nhau mà chạy ùa vào. Khi vào tới, họ đã thấy được gì. Động đá im lìm, lạnh lùng vắng ngắt, động bây giờ cũng giống y như lúc họ đã bước ra thôi, không có gì khác lạ hết. Phật Tổ uy nghi đầy hào quang vàng ánh bừng sáng như Sư Huyền Trang đã kể đâu mất tiêu rồi, không có ai thấy hết. Trời đất! giữa ban ngày ban mặt Sư Huyền Trang đã nói một chuyện kỳ quái, lạ lùng, làm sao mà tin cho được!. Ở đây hồi nãy, chỉ có mình Sư Huyền Trang thấy được Phật, ngoài ra không có ai thấy được hết. Bây giờ Phật đã biến đi đâu mất tiêu, toàn cảnh chỉ còn là trống vắng. Các bạn nghĩ thử coi, cảnh tượng lúc đó sẽ như thế nào. Tâm trạng Sư Huyền Trang ra làm sao? Chắc phải dùng đến hai chữ “hụt hẩng” và “ngỡ ngàng”.

Quyển Đại Đường Tây Vực Ký là do chính Ngài Huyền Trang kể lại cho đồ đệ tên là Biện Cơ ghi chép, chính xác từng chi tiết, từng khoảng cách địa phương, các sinh hoạt chánh trị, kinh tế, xã hội, phong tục tập quán của dân chúng hằng ngày, những nơi Sư đã đi ngang qua. Các nhà khảo cổ ngày nay vẫn dùng nó để tìm hiểu cuộc sống Ấn Độ ngày trước vào thời Đức Phật. Câu chuyện nầy được chính Ngài Huyền Trang kể lại, đã xảy ra tại động đá hoang vắng trên đường đi thỉnh kinh hằng ngàn năm trước. Câu chuyện là như vậy. Chúng ta là những kẻ hậu bối, thử dùng cái nhận định, hiểu biết ngày nay để thử tìm hiểu chuyện của cổ nhân coi sự thực là gì?

Thử tìm hiểu lại câu chuyện, trong trường hợp nầy trong đám đông lữ khách chộn rộn kia, ai là người đã thấy Đức Phật và ai đã không thấy. Câu trả lời rõ ràng lắm. Ở đây chỉ có Sư Huyền Trang thấy mà thôi.. Còn người hướng dẫn thì chỉ nghe tin đồn đãi, chớ chưa hề nói đã thấy bao giờ.
Câu hỏi được đặt ra tiếp là chuyện Đức Phật có thực sự hiện lên trên vách của động đá hay không? Trong trường hợp nầy, không biết các bạn đã nghĩ như thế nào, riêng tôi, tôi vẫn tin Sư Huyền Trang đã nói thực và Sư đã nhìn thấy Đức Phật xuất hiện rực rỡ chói lòa trên vách là sự thực. Chuyện không có xảy ra thực thì làm sao mà Sư thêu dệt ra để nói làm chi. Một người tâm địa vĩ đại như Ngài Huyền Trang thì không thể nào đặt chuyện thêm thắc vẽ vời không đâu.

Riêng học giả Nguyễn Hiến Lê phần cuối bài có ghi chú thêm lời nhận xét của một học giả Tây Phương. Vị nầy cho rằng Sư Huyền Trang quá mệt mõi do chuyến du hành, rồi phải quỳ lạy một ngàn lần, đầu óc lúc nào cũng quán tưởng hình ảnh cao quý Đức Phật trong mỗi niệm, mỗi sát na... nên sanh ảo giác. Do vậy chỉ có Sư Huyền Trang là thấy Phật thôi, chớ ngoài ra không ai khác.
Tôi thì chỉ biết ghi nhận ý kiến nầy, không dám cho là đúng hay sai vì đời có rất nhiều chuyện “không thể nghĩ bàn”. Nhưng lúc nào nhớ tới Đức Phật trên vách đá thì tôi cũng nhớ luôn nhà văn Kim Dung khi đọc quyển Lục Mạch Thần Kiếm, có chàng công tử xứ Đại Lý, một xứ sùng bái đạo Phật. Anh chàng Đoàn Dự nầy tánh tình hiền lành rất dễ thuơng, đẹp trai hào hoa phong nhã, trong một lần dạo chơi bên một vách núi, bị người truy đuổi, bèn chạy trốn vô tình lọt vô một cấm địa, trong căn phòng có một pho tượng một mỹ nữ tạc bằng ngọc bích, cực kỳ mỹ lệ. Tưởng là Phật Quan Âm độ mạng mình, chàng quỳ xuống lạy pho tượng một ngàn lần theo lời yêu cầu được ghi dưới chân pho tượng.. Đến lần thứ một ngàn thì tìm được hai bí kíp Bắc Minh Thần Công và Lăng Ba Vi Bộ trong tấm bồ đoàn...
Đọc ngang đây thì tôi khám phá được một điều thú vị. Như vậy là nhà văn Kim Dung tài hoa mà tôi say mê đã mượn đỡ hình ảnh quỳ lạy một ngàn lần của Ngài Huyền Trang trong Đại Đường Tây Vực Ký để xây dựng câu chuyện chàng Đoàn Dự hào hoa mê nàng Vương Ngọc Yến. Kể từ đó, tôi không còn có ấn tượng về Sư Huyền Trang đạo mạo, nghiêm trang, khắc khổ như một nhà tu nữa mà thấy sư hiền lành, dễ thương, cũng đôi khi có vẻ hào hoa phong nhã, nhứt là.. đẹp trai.
Chắc cũng giông giống như Thầy Thích Pháp Hòa ở xứ Canada của chúng ta ngày nay vậy.


VÕ KỲ ĐIỀN.
Brossard. QC le 18 -06-2024

Monday, June 24, 2024

Hình Ảnh Thầy Thích Minh Tuệ


































SƯ MINH TUỆ

Cho đến thời điểm này, sự kiện Sư Minh Tuệ không chỉ là hiện tượng tôn giáo mà còn là một hiện tượng xã hội và đã bắt đầu mang màu sắc chính trị. Đã có quá nhiều bài viết và ý kiến về việc hành đạo của Sư. Đồng tình ca ngợi có, phản đối, phỉ báng có. Nhưng không thể ngăn chận được sự quý trọng và tôn sùng của rất nhiều người. Người theo đạo Phật, người không tôn giáo kể cả những người theo các tôn giáo khác cũng tán thán và tôn thờ sự tu tập của Sư.
Trong bài viết ngắn này, không bàn đến phương pháp tu tập của Sư Minh Tuệ nữa mà chỉ nói thêm một chút về cách xử sự thông minh, bản lĩnh, trí tuệ, sự hoà nhã và tinh tế của Sư trước mọi tình huống trong quá trình hành đạo trên đường.
Trong những ngày đầu cách đây gần 6 năm, Sư chọn cách đi khất thực theo hạnh đầu đà. Những ngày đầu Sư vẫn còn mang áo vàng và xưng Thầy với mọi người. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, Sư tiên liệu được rằng vì Giáo hội không cho phép tu sĩ đi khất thực nên tiếp tục như thế sẽ bị phản ứng và kết tội. Do đó Sư mang bộ y phấn tảo, ôm bình bát là nồi cơm điện và không nhận mình là tu sĩ, không trực thuộc Giáo hội, xưng với mọi người là con. Bỏ chữ Thích mà chỉ gọi là Minh Tuệ. Đó là một cách chọn lựa khôn ngoan. Thế nhưng khi Sư nổi tiếng, Giáo hội lại ban hành công văn thông báo Sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ, không trực thuộc Giáo hội. Đó là một việc làm thừa thải và lộ bản chất sân si của kẻ mang danh đại diện cho Giáo hội. Bởi ngay từ đầu, Sư Minh Tuệ có nhận mình là tu sĩ đâu? Sư xưng mình là con của mọi người, xem mọi người là cha mẹ, anh em. Sư bảo Sư vẫn còn đang tu tập nên chưa thể làm thầy ai cả. Do vậy Giáo hội đã bị việt vị bởi công văn này. Và qua đó cho thấy Sư Minh Tuệ đã nhìn thấy trước sự việc sẽ diễn ra.
Khi đi bộ hành trên đường, khi đến bất cứ chỗ nghỉ nào, Sư đều ngồi kiết già. Trên khoảnh đất, dưới gốc cây, trên mỏm đá cheo leo hay chỉ là một thềm nhà, Sư luôn ngồi kiết già. Ngồi được như thế phải trải qua một thời gian tu tập mới có được, đó là chưa kể hằng đêm Sư vẫn ngồi với tư thế ấy để ngủ ngồi. Kiểu ngồi đấy chứng minh Sư đã là người tu tập rất lâu năm cùng với sự kiên trì. Không có bản lĩnh sẽ không làm được thế.
Bước chân Sư thoăn thoắt trên đường dù mưa hay nắng với nụ cười đầy bao dung. Khi có quá nhiều người cạo đầu theo Sư, Sư tuyên bố Sư chưa đủ điều kiện nên không thu nhận đệ tử, ai muốn thì cứ gia nhập, theo không được thì về. Không đồng tình và cũng chẳng từ chối ai. Thế nhưng Sư vẫn giữ một khoảng cách để không bị kết tội là tụ tập, rủ rê, tổ chức mọi người. Khi đoàn đã quá đông, Sư luôn đi cuối cùng, tách biệt với đoàn một khoảng cách. Đó là một chọn lựa khôn ngoan dù Sư vẫn giúp đỡ mọi người trong đoàn lúc nghỉ ngơi, dạy cho mọi người may y, giải thích những yêu cầu của người tu theo hạnh đầu đà.
Nhiều người đi theo Sư cho biết Sư như có một hấp lực, một từ trường khiến khi cạnh Sư sẽ thấy tâm an lạc, thanh thản. Bởi Sư đã buông bỏ tất cả kể cả mạng sống của mình, do vậy lòng Sư an lạc và truyền được sự an nhiên đến được với người chung quanh. Giữa con đường thiên lý, Sư luôn nở nụ cười, nụ cười mang đến cho mọi người hạnh phúc. Đó chính là sức hấp dẫn của Sư.
Người ta đảnh lễ Sư, Sư bảo hãy đảnh lễ Phật, Pháp, Tăng chứ Sư đang tu học không dám nhận lễ. Để ý thấy rằng khi có người quỳ lạy, Sư đều ngoảnh mặt sang chỗ khác và không lạy hay vái trả. Hành động tế nhị đó cho thấy Sư không nhận sự vái lạy này. Theo dõi khi Sư bắt đầu nổi tiếng từ lúc đến Hà Tĩnh, có hai lần Sư vái lạy. Một lần Sư vái trả lễ khi một Sư cô đảnh lễ, đó là Sư vái trả một kẻ tu hành và một lần Sư và các đồng tu lạy một tượng Phật dưới trời mưa tầm tã ở Quảng Trị khi một đạo hữu vừa thỉnh một tượng Phật xin Sư Minh Tuệ chứng minh.
Khi đoàn bắt đầu đến Quảng Bình, người dân bắt đầu đi theo đoàn quá đông, Sư đã nhiều lần ôn tồn khuyên mọi người không nên tụ tập, nên về lo việc nhà. Kể cả khi Sư bị đám đông xô đẩy, đụng chạm, Sư vẫn không biểu lộ sự khó chịu hay phiền nhiễu mà chỉ nhỏ nhẹ với lời khuyên và lời chúc mọi người hạnh phúc. Như vậy Sư đã chẳng còn sân si, giận dữ nữa. Ngay khi ở Quảng Nam, Sư đã bị đánh gãy răng, toé máu, Sư vẫn bình thản mà chúc người ta hạnh phúc, bình an. Đấy cũng là một cách tu đấy.
Hai tay lãnh đạo xã ở Quảng Trị không cho phép đoàn của Sư nghỉ đêm ở nghĩa trang, Sư vẫn mỉm cười và chúc cho họ hạnh phúc, điềm tĩnh tiếp tục hành trình để tìm chổ nghỉ chân.
Khi chiều về, trong nghĩa trang hay bãi đất trống, Sư cũng luôn có một khoảng cách nhất định với những người đi theo đồng tu. Đó là cách để chứng minh Sư không chủ trương tụ tập, tổ chức, lập tăng đoàn để luật pháp không có lý do bắt bẻ.
Rất nhiều người chất vấn, trao đổi với Sư về kinh sách, tu tập. Sư luôn trả lời đơn giản, mộc mạc, dễ hiểu và ngắn gọn. Bởi sư không phải là người thuyết pháp mà Sư là người hành pháp. Hơn nữa nhiều người đặt câu hỏi theo kiểu hỏi đố để kiểm tra việc tu học của Sư. Sư biết điều đó nên không diễn giải dài dòng, Sư chỉ nói việc giữ giới, tu theo lời Phật đã dạy là đủ. Không đi sâu vào kinh sách, thuyết giảng giữa chộn rộn, ồn ào của hàng trăm con người cũng là lối xử sự khôn ngoan và khiêm tốn.
Lúc hàng trăm người chen chúc nhau cúng dường thức ăn, khi đoàn người đồng tu đã lên đến 70 người, việc trà trộn để mang lại nguy hiểm trong các thức ăn, nước uống có thể xảy ra. Sư chọn cách tự mỗi người hay nhóm nhỏ đến từng nhà bất kỳ để xin ăn, không nhận món ăn cúng giữa đường. Đó là cách hay nhất để tránh những hiểm nguy đầu độc có thể xảy đến.
Biết tin Thầy Minh Thiện qua đời vì sốc nhiệt, đột quỵ sau mấy ngày theo đoàn. Đôi mắt của Sư không còn vui, chất chứa niềm thương tiếc và kể từ hôm đó, trên vai của Sư Minh Tuệ xuất hiện một giải khăn tang trắng. Đó là sự tinh tế khiến người có chút suy nghĩ sẽ cảm thông. Hành động chia buồn và nối tiếc tuy lặng lẽ nhưng đầy cảm xúc.
Giờ đây trước những chộn rộn của truyền thông, của hàng trăm hàng ngàn người cứ theo Sư trên đường, Sư đành phải ẩn tu. Có lẽ đó là giải pháp tốt nhất trong thời điểm này. Mọi người đang lo cho sự an toàn của Sư, lo lắng cho sức khoẻ của Sư, đó là việc đương nhiên vì sức ảnh hưởng của Sư quá lớn. Đoàn của Sư giờ tan tác cả, mỗi người mỗi ngả. Lúc này mới rõ ai là người quyết tâm tu, người nào chỉ là kẻ lùa theo ngọn gió với mục đích riêng. Thầy Minh Tạng, Minh Trí, Chơn Trí, Như Ngộ và vài vị nữa không nhớ tên vẫn đang tiếp tục con đường tu học. Đó là những người đáng trân trọng. Xem đoạn Thầy Như Ngộ vẫn tiếp tục hành trình cô độc giữa đường với làn da rám nắng mới hiểu được quyết tâm của người trẻ tuổi này.
Cứ xem như Sư Minh Tuệ tạm yên một thời gian nhưng theo ý của Sư, Sư vẫn tiếp tục con đường đã chọn, nghĩa là Sư sẽ vẫn tiếp tục đi trên con đường của một người tu theo hạnh đầu đà. Không có gì có thể cản trở khát vọng của Sư. Mong mọi người đừng gán cho Sư là Phật sống, là Bồ Tát, là A La Hán rồi rồng rắn theo Sư như cũ nữa. Hãy để cho Sư yên tâm tu tập. Hãy xem Sư là bậc chân tu. Bậc chân tu đó như luồng ánh sáng soi rõ đám tà tăng, xàm tăng, ác tăng ở trong các chùa to, tượng lớn đang mê muội nhiều người. Ánh sáng của bậc chân tu Minh Tuệ cũng đã khiến nhiều người tỉnh thức, thay đổi tư duy, hiểu ra thế nào là chánh pháp, giác ngộ được thế nào là một cuộc sống an lạc và hạnh phúc. Nó không phải là tiền tài, danh vọng, cũng chẳng phải cứ cầu, cúng dường nhiều là được phước. Ánh sáng của Sư Minh Tuệ đã giúp người đời hiểu rõ hơn về Phật pháp. Đó là điều lớn nhất Sư Minh Tuệ đã mang đến cho đời.
Dưới đây là những hình ảnh theo tôi là đẹp nhất trong chuyến hành trình ngắn ngủi của Sư Minh Tuệ. Xin cảm ơn những người đã chụp những tấm ảnh này. Có lẽ tấm ảnh Sư Minh Tuệ và Thầy Minh Tạng đang song hành với nụ cười hoan lạc là tấm ảnh hay nhất.
DODUYNGOC

Thầy Minh Tuệ lúc còn tu tập ở chùa




 

Sunday, June 23, 2024

TU SĨ MINH TUỆ ĐÃ HOÀN THÀNH CÔNG HẠNH – BAN TÔN GIÁO ĐÃ ĐÁNH MẤT PHẬT GIÁO NHƯ THẾ NÀO?

Thực trạng mất còn của đạo Phật trong suốt 2568 năm qua không nằm trong quy ước mất còn của thế tục bởi bản chất cứu khổ của đạo Phật không tính bằng đơn vị cân đo đong đếm của đời thường.
Phật giáo mất như thế nào?
Đây không còn là một câu hỏi mà thật ra cần một câu trả lời.
Phật giáo là một biểu tượng thanh thoát của đời sống tinh thần bình thường mà an lạc. Bởi vậy, sự lẩn quẩn trong một thế giới chỉ thấy vật chất và hình tướng, bị nguyên tắc bao quanh thì dẫu cho ở chốn đại thiền môn chùa to tượng lớn, tứ chúng rầm rộ, lễ lạc tưng bừng thì cũng vắng bóng đạo Phật ví như biển nước đục ngầu dậy sóng thì làm sao thấy được bóng trời xanh.
Cho nên cái “được” trong Phật giáo rất có thể là cái “mất” giữa đời thường và ngược lại. Sau khi đắc đạo trở về thăm lại Hoàng cung và phụ vương, đức Phật đã gặp lại người anh em họ đầy tỵ hiềm và ganh tỵ. Thấy đức Phật đi chân đất, tay ôm bình bát khất thực, mình choàng tấm áo cà sa đơn giản. Đề Bà Đạt Đa nhếch mép cười thách thức và hỏi: “Thế Anh ra đi bao lâu, sáu năm khổ hạnh để được cái gì?”
Ta mất đi nhiều hơn là được” mỉm cười, đức Phật trả lời.
Thảo nào! Đấy là một sự thất bại lớn…” Đề Bà Đạt Đa kêu lên và cười to thỏa mãn.
Chẳng cần quan tâm dao động thị phi, đức Phật nhẹ nhàng hóa giải, “Ta mất đi lòng tham danh lợi, mất hết tức giận hận thù, mất hẳn si mê bám chấp và bảo thủ. Mất nhiều mà chỉ được một, đó là thân tâm thường an lạc.”
Năm 520, diện kiến Đạt Ma Tổ sư, Lương Vũ Đế hỏi: “Từ ngày lên ngôi tới nay, trẫm đã cho xây nhiều chùa to tượng lớn, ấn tống kinh sách, hảo độ hàng vạn tăng chúng, công đức như thế có lớn không?”
Đạt Ma đáp: “Chẳng có gì đáng kể cả”
Tại sao hộ pháp, độ tăng nhiều như thế mà lại không có công đức gì cả?”
Bởi vì những việc vua làm chỉ là nhân ‘hữu lậu’. Đấy chi là những thành quả nhỏ trong vòng nhân thiên, ảo tướng tùy hình, có mà chẳng thật.”
Như thế, thật tướng công đức là gì”
Đạt Ma thuyết: “Tâm thanh tịnh, thể trống không rỗng lặng mới thật là công đức, công phu. Vì thế không thể lấy việc thế gian mà đo lường được.”
Và có bao nhiêu cái được đời thường hóa ra là mất trong tầm nhìn Phật giáo.
Sau cuộc đấu tranh đòi hỏi quyền tự do và bình đẳng tôn giáo năm 1963, giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Năm 1981, giáo hội Phật Giáo Việt Nam được thành lập dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Tôn giáo Chính phủ với khẩu hiệu: Dân Tộc – Đạo Pháp – Xã hội Chủ nghĩa. Đại chúng Phật giáo nghiêm khắc đặt vấn đề: “Có chăng thay khẩu hiệu Độc lập – Tự do – Hạnh phúc bằng Độc lập – Tự do – Giải thoát liệu Ban Tôn Giáo có khả dĩ chấp nhận được chăng?”
Một đạo Phật truyền thống, vô hình chung, bị cột buộc vào một chủ nghĩa chính trị và xã hội của thế lực cầm quyền thì sự phát triển của Phật giáo tất nhiên sẽ bị rẽ hướng theo nhu cầu chính trị thế quyền. Và hơn 40 năm qua, Phật giáo Việt Nam đã trở thành một phương tiện của chính quyền về mặt lãnh đạo, tổ chức và sinh hoạt.
Vai trò của Phật giáo đối với đất nước suốt dòng lịch sử là gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Tổ quốc điêu tàn thì Đạo pháp cũng suy vong. Thời thịnh trị có sự đồng hành tương tác giữa tôn giáo và thế lực lãnh đạo như thời đại Lý Trần, Phật giáo đóng vai trò tham vấn về đạo lý và sức mạnh tinh thần cho vua quan ứng dụng tinh thần thân dân và thực hiện vai trò bảo vệ đất nước. Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng cởi cẩm bào khoác chiến bào chống xâm lăng và khi tổ quốc bình trị thì treo chiến bào để khoác áo cà sa. Những thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Tuệ Trung… là những nhà tham vấn lỗi lạc làm chỗ dựa cho vua quan trong quá trình trị nước an dân.
Nhưng một khi tôn giáo (bất cứ tôn giáo nào) đã biến thành phương tiện làm đẹp tinh thần của chính trị thế quyền thì tôn giáo đó chỉ còn là những cổ xe tứ mã để trang điểm cho người nắm quyền lực hơn là còn có được một vai trò dù là khiêm tốn đến mức nào để có cơ hội đóng góp cho quá trình trị nước an dân.
Đánh mất là khi đã cầm trên tay nhưng để rơi ra ngoài tầm hành hoạt. Đạo Phật đã rơi khỏi tay của Ban Tôn giáo khi quan hệ tương tác giữa đôi bên không còn là đối thoại song phương mà thi hành chỉ thị. Hoạt động nội bộ của đạo Phật như bổ nhiệm trụ trì, tấn phong đạo vị, hoàn thiện nhân sự cho giáo hội… đã phải phủ phục nhận quyết định từ thế lực cầm quyền.
Ban Tôn giáo đã đánh mất Phật giáo như thế nào:
–         Phật giáo đã bị thu lại thành một đoàn thể quần chúng trong Mặt trận Tổ quốc.
–         Hàng giáo phẩm Phật giáo được bổ nhiệm như quan chức Nhà Nước.
–         Giáo quyền do thế quyền chủ động hành xử và chỉ còn đóng vai trò lễ nghi, thụ hưởng.
–         Giới luật nhà Phật triển khai và ứng dụng bị vận dụng hay cưỡng chế bằng pháp luật xã hội.
–         Nội dung hoằng pháp, hộ pháp và trạch pháp do thế quyền chỉ đạo.
–         Tăng Ni và Phật tử biến tướng thành khối quần chúng phụ thuộc, vô danh.
 Trong một hoàn cảnh như thế tuy Phật giáo vẫn còn tồn tại; thậm chí phát triển tưng bừng, hoa hòe hơn nhưng chỉ là hình tướng và phương tiện nên phàm tăng, tục chúng nhiễu loạn cửa thiền càng trầm trọng. Chân tăng, thiện tri thức và tín chúng thì rút lui vào im lặng trong khi cảnh chùa viện Phật giáo càng ngày càng náo nhiệt như một bệnh dịch đang hoành hành.
Bậc cao minh lắc đầu ngao ngán, phường phàm phu đắc chí vênh vang. Cửa thiền rộng mở nhưng không phải cảnh thiền môn thanh tịnh, Tam Bảo trang nghiêm mà ngược lại, Tam Bảo bất an, nhân tâm náo loạn.
Khi Phật giáo bị đánh mất thì “Phật sự đa đoan” trở nên tha hóa, mập mờ và hỗn tạp với những hiện tượng bất pháp, vô minh, thân tàn, tâm diệt.
Khi Phật giáo bị đánh mất thì thiền môn bất tịnh, chân tăng thối chuyển, ma quỷ vận áo cà sa lên ngôi với những trò thuyết pháp mỵ tín đồ, pháp ngôn dung tục, nội hàm cẩu thả và pháp chủ tà môn.
Khi Phật giáo bị đánh mất thì ba ngôi Tam Bảo chỉ còn một ngôi Nhất Bảo Kim Cang Phật may ra yên vị; trong lúc Tăng Bảo thoái trào và Pháp Bảo lung lay.
Khi Phật giáo bị đánh mất thì pháp nạn tự thân xuất hiện: Tu sĩ biến thành doanh nhân; tín đồ Phật tử biến thành những phẩm vật tế thần cúng dường vô điều kiện cho những dịch vụ ma vương như những trò lừa mị kiểu xá lợi Phật, cúng tế cầu vong, oan gia trái chủ… trùng trùng mê tín dị đoan loạn động, công khai mà mọi người đều chứng kiến.
Công án Minh Tuệ: Hoàn Không
Chữ “không” trong Phật giáo được các học giả phương Tây dịch ra thành nhiều cách, mỗi cách mang một nội dung khác nhau: Không (nothingness = không có gì cả), không (emptiness = trống không), không (nihility = hư vô), không (voidness = không có ). Tôi chọn khái niệm sau cùng nầy khi nhìn tấm ngân phiếu mình đã ghi lên đó số tiền bao nhiêu, trả cho ai nhưng khi muốn hủy tất cả “cái có” thành “cái không” thì tôi viết trên chi phiếu đó một chữ đậm là “VOID”: Cái ngân phiếu thành ra thực tế có đó nhưng nó hoàn toàn trống rỗng, không mang một cái có thực hữu nào cả.  Khái niệm này chỉ ra rằng tất cả các hiện tượng đều không có bản chất tự thân và không tồn tại độc lập. Mọi vật đều phụ thuộc lẫn nhau và chỉ tồn tại do các nhân duyên hợp lại.
Công án, nói một cách phổ thông và dễ hiểu là những lời nói, việc làm, động thái, sự kiện nhưng chúng ta không thể hiếu hay tìm ra ý nghĩa rõ ràng của nó bằng kiến thức, cảm quan, suy luận theo ý nghĩa thông thường mà chỉ có thể thâm nhập hay nhận thức nó bằng trực giác.
Từ mấy hôm nay, hiện tượng Minh Tuệ làm tôi suy nghĩ. Tuy mọi sự kiện xoay quanh nhân vật nầy trong suốt như pha lê, thật như đếm, rõ như ban ngày, dễ hiểu như hơi thở của chính mình; thế nhưng tôi cũng như nhiều người vẫn mịt mờ không hiểu nổi “vì sao như thế”?!
Hàng triệu con mắt, tấm lòng và cảm quan đã dồn về Tu sĩ Minh Tuệ đều thấy rõ rằng nhân vật này không có gì đặc biệt cả: Kiến thức Phật học sơ cơ, chẳng có một danh vị nào để xưng tán, chưa được đăng đàn thọ giới, chưa từng qua chùa viện tu trì, không nói một câu Phật lý nào minh triết, chẳng kinh kệ sớm hôm… nghĩa là không một dấu chỉ có sự trói buộc nào vào những quy lệ thường tình của một người xuất gia theo Phật truyền thống.
Thế nhưng Tu sĩ Minh Tuệ có cả một vùng hào quang vô hình trong suốt bao bọc và tỏa chiết đến mọi người: Cái tôi không còn bám chấp, danh lợi là hư không, tham sân đều xả bỏ, ái dục đã xa lìa, cái ngủ cái ăn chỉ đủ để duy trì sự sống, bệnh tật sống chết không màng, tiền bạc của cải vật chất không bao giờ dính tay, lấy khổ hạnh du phương làm an nhiên tự tại. Cái Tánh Hữu đời thường của Tu sĩ Minh Tuệ phảng phất đạo vị Tánh Không tự tại của nhà Phật.
Những ngày theo dõi khá thường xuyên con người và hành trạng của Tu sĩ Minh Tuệ, thoạt tiên tôi cho đó một nguyên cớ, một giọt nước tràn ly của một cái ly đã gần tràn. Chất liệu chứa đầy trong ly mang một nội dung tượng trưng mà rất thật: Đó là Phật giáo Việt Nam với đủ tướng trạng, nội hàm cùng phong cách sinh hoạt của chùa viện, tu sĩ và đại chúng.
Tôi đã viết một tham luận nhỏ có đề tài là:Tu sĩ Minh Tuệ…giọt nuớc tràn ly” nói lên cảm tưởng của mình về Phật giáo Việt Nam trong tầm quan sát và hiểu biết trực tiếp cũng như gián tiếp của mình.
Theo dõi bước chân của Tu sĩ Minh Tuệ và phản ứng của quần chúng trong cả nước và thế giới quan tâm từng giờ, từng phút, suốt đêm ngày, ai cũng tự hỏi rằng: Sức hút và “phép lạ” nào đã quyện vào một nhân vật chơn chất, thật thà, đạo hạnh gần như vô danh trong chỉ vài ba tuần trước đó nay bỗng nhiên lại trở thành đối tượng “siêu quần bạt chúng” làm sôi động cả nước như thế?
Thử lật ra vài trang sử các phong trào quần chúng trên thế giới có sức hút tương tự còn ghi dấu trong ký ức của mọi người như “Tank man”, người thanh niên trẻ tuổi vô danh một mình tay không đứng chặn cả đoàn xe tăng 59 chiếc đang rầm rập tiến vào Thiên An Môn để đàn áp phong trào quần chúng đòi tự do và quyền sống tại Trung Quốc ngày 5-6-1989. Chỉ một phút trôi qua với ống kính của Jeff Widener của AP, “Tank man” đã trở thành biểu tượng thiên thu về lòng can đảm của người dân yêu chuộng tự do và sự hung tàn của thế lực đàn áp. Hình ảnh người phụ nữ da đen không chịu nhường ghế “dành riêng cho người da màu” cho một thanh niên da trắng trên một chuyến xe buýt phân biệt chủng tộc tại Montgomery năm 1955 đã làm dấy lên phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ và trên toàn thế giới…
Và, bao nhiêu cá nhân yếu đuối, vô danh, vươn lên như ánh đèn, như tia chớp, như giọt nước tràn ly, như tiếng chuông cảnh tỉnh gây nên những phong trào quần chúng nhất thời hay lâu dài; địa phương hay toàn diện đứng lên đấu tranh đòi hỏi sửa sai đối với sự sai lầm, chấn hưng đối với tình trạng thoái trào, trừng phạt đối với tội ác. Người đóng vai “khởi động” vô tình hay cố ý, dù chỉ thoáng qua hay lâu dài một khi tạo ra được tác dụng tích cực hay ảnh hưởng tốt đẹp trong quần chúng sẽ mãi mãi trở thành biểu tượng chiếu rọi âm u thành ánh sáng.
Sớm hôm nay, ngày 3-6-2024, được tin là Tu sĩ Minh Tuệ đã “tình nguyện chấm dứt” (?!) cuộc đi bộ hành cước khổ tu. Hình như hết thảy những người mà tôi được gặp hay tiếp xúc qua mạng lưới truyền thông, sẽ không có ai ngạc nhiên nếu có “sự cố” nào xảy ra cho Tu sĩ Minh Tuệ; kể cả cái chết bất  đắc kỳ tử bởi bất cứ cách xếp đặt hay phương tiện nào xảy ra.
Điều quan trọng nhất: Tu sĩ Minh Tuệ đã làm xong nhiệm vụ, đem 6 năm khổ tu dồn lại mấy tuần, đem chính thân mạng của mình để minh họa lại hình ảnh và đạo hạnh của một nhà tu theo Phật:… là như thế đó. Phật tử và quần chúng cả nước và khắp năm châu ít nhất cũng có một khái niệm về hình ảnh và phẩm chất tối thắng của một người tu theo Phật giáo chân chính căn bản là như thế nào. Tuyệt nhiên không phải là những màn múa may thời mạt pháp với những Tăng (ông), Ni (bà) đang lợi dụng một đạo Phật thậm thâm vi diệu thành hí trường gây quỹ hay môi trường kinh doanh trục lợi trên sự nhẹ dạ vô tâm của quần chúng Phật tử đang phủ phục cúng dường!
Ước mong và cầu nguyện chúng ta nên thực hành theo con đường Trung Đạo của nhà Phật: Không thái quá mà cũng chẳng bất cập. Kẻ tham lam xin dẹp bớt lòng tham; người khổ hạnh xin nhẹ dần khổ hạnh.
Cám ơn Tu sĩ Minh Tuệ đã đem hạnh tu trong sáng của người tu sĩ theo Phật để giúp khai thị hay nhắc nhở cho những ai trong tứ chúng Phật Tử hiện tiền đã và đang cố tình hay vô tâm đi sai đường Chánh Đạo.
Xin kính chúc Tu sĩ Minh Tuệ dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng được viên thành đạo quả.
Trần Kiêm Đoàn

Quá Sốc với những Điều Sư Minh Tuệ làm được từ trước đến nay chưa ai làm được.

Friday, June 21, 2024

NGÀI MINH TUỆ CÓ PHẢI LÀ THÁNH TĂNG KHÔNG ?

NGÀI MINH TUỆ CÓ PHẢI LÀ THÁNH TĂNG KHÔNG ?

Một người thông hiểu Tứ Đế, Bát Chánh, Vô Ngã, Thập Nhị Nhân Duyên thì bắt đầu bước chân vào dòng Thánh. Vị đó xứng đáng là Trưởng Tử của Như Lai. Theo đúng chân lý, cho dù người đó có theo bất cứ tôn giáo nào mà hiểu Tứ Đế, thực hành Bát chánh đạo thì là đệ tử của Phật, không chấp vào tôn giáo, tông phái nào cả.

Chúng ta chỉ thấy Ngài Minh Tuệ thực hành Thân giáo là nhiều. Ngài thực hiện pháp tu hạnh Đầu Đà, chứ ít giảng pháp và luôn khiêm tốn xưng con và cho rằng đang học tu tập theo Phật Thích Ca.

• Vậy Ngài Minh Tuệ có thông hiểu giáo lý Phật Pháp và thực hành Bát chánh đạo hay không?

Bát chánh đạo chia làm 3 nhóm. Đó là nhóm Giới (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), nhóm Định (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định), nhóm Tuệ (chánh kiến, chánh tư duy).

- Xét nhóm Giới, nếu chỉ xét về nhóm giới Sadi, chưa xét đến giới Tỳ kheo, thì Ngài Minh Tuệ đã dư giới rồi. Giới Tỳ kheo Bắc Tông là 250 giới. Nam Tông là 227 giới. Cũng đều dựa trên nền tảng 10 giới đầu của Sadi, triển khai sâu sắc thêm thôi.

Một người xuất gia mà không giữ được 10 giới Sadi thì khoan bàn tới giữ giới cao hơn.

- Xét nhóm Định, thì Ngài Minh Tuệ Thiền Định ngủ ngồi luôn theo hạnh Đầu Đà. Chỉ có người tu tập có Định lực cao mới vừa ngồi, vừa ngủ được như vậy. Chứ người bình thường sẽ không chịu nỗi, sẽ ngã xuống liền. Đây gọi là ngủ trong trạng thái chánh niệm tĩnh giác, ngủ trong trạng thái tỉnh táo, không hôn trầm, mộng mị.

- Xét nhóm Tuệ, căn cứ vào lúc Ngài Minh Tuệ chưa đi hành khất thì một người hiểu thông suốt Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, 37 phẩm trợ đạo thì Ngài chắc chắn có Tuệ. Như vậy Ngài Minh Tuệ đã trọn vẹn Giới – Định – Tuệ trong Bát chánh đạo, thì không còn gì phải bàn luận nữa.

Ngài Minh Tuệ đã vào đến chỗ chân không thanh tịnh. Ngài đã bước vào hàng Thánh quả . Ngài đã thấy mọi sự việc rất rõ ràng. Ngài luôn nhắc đến Bát Chánh Đạo và Giới Luật .

Người tu hành bất cứ Hạnh gì cũng phải kiên trì gìn giữ trọn vẹn Giới luật thì mới buông bỏ được tất cả mọi thứ thuộc về vật chất. Để thân tâm thật trong sạch, an lạc thanh tịnh nơi cảnh sự .

Ngài đã đạt đến chỗ không động, không tịnh trên mỗi bước bộ hành . Và mọi thứ sẽ tự nhiên sanh và chuyển vào chỗ căn , thức , tâm , tánh vận hành tại chỗ thấy , nghe , biết và Ngài nói rất rõ ràng. Ngôn ý Ngài rất chân thật . Ngài đã đạt đến Quả vị Bồ Đề Tâm . Tâm thị Tâm Như thị , ý thị ý như sanh .

Vì để đạt được Chánh Quả vị của Phật là không thật cũng không giả. Không hay cũng không dở . Không sanh cũng không diệt . Tâm bất thối chuyển hạnh đạo duyên. Với Trí Tuệ thông suốt và Ngài Minh Tuệ có tình thương bao la rộng khắp nên luôn chúc phúc cho mọi người. Mọi sự cảnh thuận nghịch đến với Ngài . Ngài đều hoan hỷ buông xả hết .

Ngài Minh Tuệ đã thành tựu trên đường Đạo, hương thơm lan tỏa khắp pháp giới. Ngài nói khiêm tốn là Ngài đang học tập theo Phật. Nhưng thật ra Ngài đã giải thoát và thân tâm Ngài đã An Định bên trong rồi (Bát phong suy bất động – Tám ngọn gió thế gian thổi không lay chuyển). Còn sự chuyển động ngoại cảnh bên ngoài không còn ảnh hưởng gì đến Ngài.

Những người tu tập huyền bí siêu hình đều có thể cảm nhận ra Ngài Minh Tuệ là bậc chân tu đạo hạnh, biết được sứ mệnh của Ngài trong đạo Phật . Những người tu tập Thiền Định có thể nhận ra nguồn năng lượng, từ trường của Ngài Minh Tuệ từ rất xa. Nguồn năng lượng từ Ngài Minh Tuệ thanh lương, mát mẻ, trong lành, nhẹ nhàng, an lạc vi diệu.

Wednesday, June 19, 2024

“VIÊN PHÈN” THÍCH MINH TUỆ (dưới góc nhìn của một người Công giáo)

Những ngày qua hàng loạt các cơ quan truyền thông báo chí thông tin về hiện tượng sư Thích Minh Tuệ, một tu sĩ Phật giáo đầu đội trời chân đạp đất đi khất thực và bộ hành trên 30 km mỗi ngày, thể hiện 13 pháp tu Hạnh Đầu Đà, và là vị hành giả thứ hai sau ngài Ma Ha Ca Diếp vào thời Đức Phật còn tại thế đã trên 2648 năm qua. Qua công hạnh tu tập của sư Thích Minh Tuệ thể hiện đúng với lời dạy của Đức Thế Tôn như kính chiếu yêu soi rọi nguyên hình  vô số Ma Tăng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trực Ban Tôn Giáo Chính Phủ dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc, đã là cơ sở kinh tài dưới hình thức Chùa to Phật làm mê hoặc lòng người từ suốt nửa thế kỷ qua kể từ ngày Cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam 30-4-1975, vì thế, Đảng Cộng sản vào nửa đêm thứ Hai rạng ngày 3 tháng 6 – 2024 vừa qua,  trên 180 công an đã đột nhập trong lúc 72 Tăng chúng đang an nghỉ. Cứ 2 tên công an kè 2 tay một Tăng sĩ dẫn độ về, bắt viết tự kiểm và buộc phải cởi bỏ y áo, thay bằng khoác trên người một cái áo màu xanh, mà công an đã chuẩn bị từ trước. Sau đó họ chia Tăng chúng ra từng nhóm nhỏ, thả 2, 3 người một nơi, rải rác khắp  tỉnh thành Việt Nam. Hành động vi phạm quyền tự do tôn giáo  của nhà Câm quyền Cọng sản Việt Nam đã bị thế giới lên tiếng, thế mà chúng tôi lại thấy có những kẻ mang tâm  hiềm khích  Phật giáo buông lời  nhục mạ sư Thích Minh Tuệ một cách vô bằng và xách mé gọi các nhà sư Phật giáo là Thích Đủ Thứ! Chúng tôi tiết nghĩ vào thời xã nghĩa ngày nay, không riêng gì Phật giáo còn có vô số thành phần các tôn giáo khác cũng thích đủ thứ, chỉ khác chứ “Thích” có hoa và chữ “thích” thường mà thôi. Nhân đọc được bài viết VIÊN PHÈN” THÍCH MINH TUỆ  đăng trên face book Nguyễn Đức Thành. Để hiểu rõ về tinh thần tu học của một hành giả Phật giáo hơn, xin kính chuyển đến đại chúng về sư Thích Minh Tuệ DƯỚI MẮT NHÌN CỦA MỘT NGƯỜI CÔNG GIÁO

Nguyễn Đức Thành

Kỷ niệm Mùa Phật Đản năm nay vẽ một bức tranh, nhân có cảm hứng về hiện tượng sư Minh Tuệ.

Thêm một bài viết của một người Công giáo, tất nhiên cũng là một người con đất Việt, và vì thế hẳn cùng đồng lòng cảm kích trước thầy Minh Tuệ, trong buổi xã hội nhiễu nhương tao loạn nơi xứ sở.

VIÊN PHÈN” THÍCH MINH TUỆ

“Hồi đó, gia đình tôi ở một vùng mà đào giếng lên chỉ toàn nước vôi ngầu đục nên chỉ dùng để tắm rửa. Nước uống thì phải ra sông cách chừng một cây số gánh về. Gặp mùa mưa lũ, nước sông ngầu đục phù sa. Mẹ tôi đổ vào chậu sau đó giã viên phèn chua thả vào. Một lát sau, phù sa lắng hết xuống đáy, bên trên là nước trong vắt….

Có lẽ nhiều người mới đọc cái tựa đề sẽ cho rằng tôi mạo phạm. Xin thưa, tôi không hề có ý đó nên tôi đã cho vào ngoặc kép chữ “viên phèn”.

Đó chỉ là một cách nói ẩn dụ bởi ngài Thích Minh Tuệ gợi cho tôi hình ảnh viên phèn chua mẹ tôi dùng ngày xưa để lắng nước. Hồi đó, gia đình tôi ở một vùng mà đào giếng lên chỉ toàn nước vôi ngầu đục nên chỉ dùng để tắm rửa. Nước uống thì phải ra sông cách chừng một cây số gánh về. Gặp mùa mưa lũ, nước sông ngầu đục phù sa. Mẹ tôi đổ vào chậu sau đó giã viên phèn chua thả vào. Một lát sau, phù sa lắng hết xuống đáy, bên trên là nước trong vắt.

Trở lại với ngài Thích Minh Tuệ… Tôi chỉ gọi ngài là NGÀI bằng sự tôn kính cá nhân vì ngài không nhận mình là THẦY hay SƯ. Ngài chỉ nhận mình là người tập tu theo hạnh của Đức Phật để tìm sự giải thoát bản thân. Ngài cũng không nhận mình thuộc chùa nào, theo Nam tông hay Bắc tông.

Ngài cũng không nói mình tu theo HẠNH ĐẦU ĐÀ (từ này tôi chỉ nghe một vài vị sư khác nói về ngài). Vì vậy, việc công bố ngài có phải là tu sĩ thuộc giáo hội Phật giáo hay không đều vô nghĩa. Ngài đã tu theo cách này từ 6 năm trước và cách đây chừng 3 năm tôi cũng đã từng thấy hình ngài trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đến nay ngài mới trở thành hiện tượng nóng không chỉ trên mạng xã hội mà còn đến sinh hoạt thường ngày của nhiều người. Có lẽ Đức Thích Ca Mâu Ni cũng khởi đầu như thế. Sau nhiều năm tháng lang thang sống khổ hạnh và thiền định, ngài mới ra đi hoằng dương đạo pháp và thu nhận đệ tử. Chúa Giêsu cũng lang thang khắp xứ Galilê trong suốt 3 năm để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. “Con cáo có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Lc. 9, 58). Các vị là những lãnh tụ tinh thần và thiêng liêng của các tôn giáo và có những nét đặc thù riêng nên tôi không dám lạm bàn thêm.

Vì là người Công giáo nên hình ảnh ngài Minh Tuệ khiến tôi liên tưởng đến thánh Phanxicô Assisi (hay còn gọi là Phanxicô khó khăn) của đạo Công giáo. Ngài sinh vào cuối thế kỷ 12, cũng từng tham gia đội quân Thánh chiến và từng bị bắt làm tù binh. Ngài là một người có tài thơ ca và khiếu thẩm mỹ.

Cha ngài là một nhà buôn tơ lụa nổi tiếng và giàu có, bản thân ngài cũng kế thừa một công việc ổn định (ngài là thành viên Hiệp hội Thương gia Assisi từ năm 14 tuổi). Vậy mà, một tiếng gọi sâu thẳm đã đánh thức ngài và ngài từ bỏ mọi sự để dấn thân vào đời sống khó nghèo theo gương Thầy Chí Thánh Giêsu.

Để phục dựng những ngôi nhà thờ cũ nát, ngài đi xin từng viên gạch, từng vữa hồ dư… Để có cái ăn, ngài chỉ xin những thực phẩm thừa khi người ta đã ăn xong. Để an ủi những người phung cùi, ngài đến với họ bằng những cái ôm nồng nàn, chăm sóc và băng bó vết thương…

Hiện tượng “Phanxicô” lúc bấy giờ cũng đã tác động mạnh đến xã hội. Có nhiều người quy tụ đến bên ngài, trong số đó có cả những nhà quý tộc, những người giàu có đã bán hết gia sản, phân phát cho người nghèo rồi theo ngài.

Thật ra, ban đầu ngài cũng chỉ tự chọn cho mình một con đường tu hành chớ không kêu gọi đệ tử. Nhưng khi số người đến với ngài đã lên đến số 12, ngài đành phải đến Roma để xin Đức Giáo Hoàng cho phép lập dòng. Khởi đầu, Đức Giáo Hoàng Innocentê III cũng có vẻ e ngại đối với đoàn tu sĩ có vẻ rách rưới đi chân trần như vậy. Nhưng đêm hôm đó, ngài mơ thấy một ngôi thánh đường nghiêng dần như sắp sụp đến nơi thì có một tu sĩ chân trần bộ dạng y như thánh Phanxicô đến đỡ nó đứng dậy.

Thế là hôm sau ngài gọi nhóm Phanxicô vào và chuẩn y việc lập dòng – Trong từ ngữ Công giáo, từ Nhà thờ (église/ eglisa/ church) khi viết hoa thì có nghĩa là Giáo hội – Và quả nhiên, tinh thần của thánh Phanxicô đã tác động rất nhiều đến đời sống Giáo hội lúc bấy giờ và cho đến nay mặc dù ngài cũng chẳng có vai vế gì trong Giáo hội, cũng chẳng hành động gì để chỉnh đốn Giáo hội. Chúng ta nên nhớ vào thời của ngài, vua của các nước châu Âu trước khi lên ngôi đều đến xin Đức Giáo Hoàng xức dầu tấn phong.

Các hồng y, giám mục ở các nước đều nắm giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình, được cấp đất và phong tước… Thần quyền bao phủ thế quyền và thế quyền chi phối thần quyền… Cuộc sống xa hoa và quyên thế của các vị trong hàng giáo phẩm trở nên một điều hiển nhiên.

Chính vì vậy mà một tu sĩ rách rưới nghèo nàn như Phanxicô trở thành một điều “bất bình thường” khiến mọi người… e ngại!

Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu đó rằng Lênin từng nói: “Nếu nước Nga có 10 vị như thánh Phanxicô thì khỏi cần làm cách mạng”. Điều này nói lên rằng đời sống khổ hạnh của một vị chân tu có tác động rất lớn đến cộng đồng, vì thánh Phanxicô chẳng rao giảng hay vận động cho chương trình gì ngoài xã hội. Ngài chỉ chăm chút cho cộng đoàn nhỏ của ngài, sống sao cho các đệ tử noi theo. Còn lại mọi lời giáo huấn của Chúa đều đã có trong Kinh Thánh. Và như Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã nói: “Thời nay người ta cần CHỨNG NHÂN hơn là THẦY DẠY và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân.”

Nay thì nếp sống khổ hạnh của ngài Minh Tuệ cũng đã bắt đầu tác động đến cộng đồng mặc dù ngài cũng không “đao to búa lớn” điều gì.

Con chỉ là một người tập tu theo hạnh của Đức Phật”. Việc người ta theo ngài càng ngày càng đông tất nhiên có nhiều trở ngại, nhưng qua đó, tôi nhận thấy một số youtuber, tiktoker (tuy không phải là tất cả) đã bắt đầu có những clip không nhằm câu view, câu like mà chỉ nhằm tán tụng một hình ảnh đẹp, một tấm gương sáng…

Có anh youtuber thấy hai thanh niên đang đón thầy để trả tấm y mà thầy để quên, đã hỏi thăm và khi biết 2 anh kia cũng là youtuber thì quay luôn và giới thiệu lên kênh của mình. Có thể nói đây là hành động “quảng cáo cho đối phương” nhưng họ làm rất vui vẻ, phấn khởi và thân thiện. Nhiều anh có vẻ “anh chị”, xăm trổ đầy mình nhưng đã mạnh miệng bênh vực ngài Minh Tuệ trước những công kích.

Mới đây tôi cũng được đọc bài tự sự của một linh mục viết về ngài Minh Tuệ đã đánh động đến đời sống thiêng liêng của mình, khiến ngài nhìn lại mình để học buông bỏ nhiều hơn.

Tất nhiên, trong mỗi tôn giáo hay mỗi bậc tu đều có đường lối riêng nhưng xem ra BUÔNG BỎ luôn là mẫu số chung.

Thánh Phanxicô và ngài Minh Tuệ cũng lặng lẽ như “viên phèn” nhưng có thể khiến nước ĐỤC thành TRONG. Vào thời buổi ĐỤC – TRONG lẫn lộn này, chúng ta khó nhận ra đâu là PHÙ SA để gạn lọc.

Hy vọng ngài Minh Tuệ sẽ là “viên phèn” của ngày hôm nay khiến PHÙ SA lắng xuống để chúng ta có được nguồn NƯỚC TRONG LÀNH.